Tuyên án cựu Viện trưởng, xem xét trách nhiệm Phó Viện trưởng, tử hình cựu Kế toán trưởng
Ngày 23/9, Tòa án nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng (SN 1971, cựu Trưởng phòng Tài chính – Kế toán, Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”.
Cùng ra hầu Tòa trong vụ án này, 2 cựu Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là Đặng Đức Anh (sinh năm 1964) và Nguyễn Trần Hiển (sinh năm 1954) đều bị phạt 3 năm tù; Phạm Sơn Thủy (sinh năm 1959, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) lĩnh 4 năm tù về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, tháng 2/2023, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an nhận được đơn tố cáo của ông Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) phản ánh về việc: Ban lãnh đạo Viện đã kiểm tra tài khoản và đối chiếu kiểm tra sổ sách của Phòng Tài chính - Kế toán, phát hiện trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2022, Nguyễn Hoàng đã có hành vi rút 110 tỷ đồng từ 4 tài khoản của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhưng không nhập quỹ tiền mặt của Viện.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2009 đến tháng 2/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mở 6 tài khoản tại một ngân hàng. Trong quá trình quản lý, sử dụng, Nguyễn Hoàng với vai trò là Kế toán viên, Kế toán trưởng/Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có hành vi viết khống 409 giấy rút tiền, séc và ủy nhiệm chi (gọi chung là giấy rút tiền) để rút số tiền hơn 246 tỷ đồng.
Sau khi rút tiền, Hoàng không nhập quỹ đơn vị, không nộp lưu các chứng từ rút tiền, tự theo dõi biến động số dư 6 tài khoản (do Hoàng chỉ sử dụng số điện thoại của mình để đăng ký, nhận tin nhắn ngân hàng), không báo cáo chủ tài khoản và Phòng Tài chính - Kế toán. Trong tổng số tiền đã rút trên, có hơn 94 tỷ đồng sau khi rút ra, Hoàng đã nộp lại vào các tài khoản đã rút, mục đích để các tài khoản trên luôn còn tiền, tránh bị phát hiện việc rút tiền. Số tiền hơn 152 tỷ đồng còn lại, Hoàng chiếm đoạt để sử dụng cá nhân.
Thủ đoạn phạm tội của Nguyễn Hoàng là khi trình ký các giấy rút tiền, bị cáo đã viết khống đề xuất tạm ứng của các đơn vị, phòng ban thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, lợi dụng những lúc Nguyễn Trần Hiển, Đặng Đức Anh và Phạm Sơn Thủy bận rộn công việc để trà trộn các giấy rút tiền vào tập văn bản, chứng từ cần ký gấp để những người này ký, phê duyệt trên các giấy rút tiền.
Ngoài ra, từ năm 2009 đến năm 2017, do Nguyễn Hoàng đã sửa đổi số liệu trên các Báo cáo tài chính nên khi duyệt báo cáo cuối năm, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng như Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế không phát hiện được việc Nguyễn Hoàng chiếm đoạt tiền. Thời điểm từ 2018, với tư cách là Kế toán trưởng, Nguyễn Hoàng đã khất nợ Báo cáo tài chính với Vụ Kế hoạch - Tài chính. Vụ Kế hoạch - Tài chính đã có 2 công văn đôn đốc nhưng Nguyễn Hoàng vẫn không thực hiện.
Ngoài ra, để che giấu hành vi rút tiền từ 6 tài khoản nêu trên, Nguyễn Hoàng đã rút tiền từ tài khoản này rồi lại nộp sang tài khoản khác hoặc nhiều lần vay, mượn tiền từ người thân, bạn bè để nộp tiền vào các tài khoản khi các tài khoản này cần tiền để sử dụng, quyết toán, kết thúc dự án.
Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Hoàng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Toàn bộ số tiền sau khi chiếm đoạt của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Nguyễn Hoàng chỉ sử dụng cá nhân và đánh bạc theo hình thức chơi lô, đề, không chi cho bất kỳ ai.
Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Đặng Đức Anh đã thiếu kiểm tra, giám sát thông tin “Người nhận tiền” đứng tên Nguyễn Hoàng; không kiểm tra xem có đề xuất phương án chi, chứng từ quyết toán chi, sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản hay không mà chỉ tin tưởng vào chữ ký xác nhận của Kế toán trưởng là Phạm Sơn Thủy và Nguyễn Hoàng nên đã ký giấy rút tiền.
Với vai trò Thủ trưởng đơn vị, Chủ tài khoản nhưng bị cáo Đặng Đức Anh đã không thực hiện việc kiểm tra quỹ tiền mặt của đơn vị; không thực hiện việc kiểm kê, đối chiếu số dư trong các tài khoản ngân hàng, dẫn đến việc Nguyễn Hoàng nhiều lần rút tiền trong thời gian dài nhưng không được phát hiện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn. Tổng số tiền thất thoát trong giai đoạn Đặng Đức Anh làm Viện trưởng, Chủ tài khoản là hơn 129 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Nguyễn Trần Hiển, theo cáo trạng, Hoàng biết ông Hiển hoàn toàn tin tưởng Phạm Sơn Thủy. Từ tháng 3/2009 đến tháng 2/2015, sau khi đã có chữ ký của Thủy trên các chứng từ rút tiền, Nguyễn Hoàng đã chuyển các giấy rút tiền đến Nguyễn Trần Hiển để trình ký kèm theo các tài liệu cần ký gấp để ông Hiển không phát hiện.
Quá trình duyệt ký các giấy rút tiền do Nguyễn Hoàng trình ký, Nguyễn Trần Hiển đã thiếu kiểm tra, giám sát thông tin người nhận tiền đứng tên Nguyễn Hoàng; không kiểm tra xem có đề xuất phương án chi, chứng từ quyết toán chi, sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản hay không. Mặt khác, do tin tưởng Phạm Sơn Thủy là Kế toán trưởng có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính kế toán, nên khi thấy các chứng từ đã có chữ ký của Phạm Sơn Thủy, Nguyễn Trần Hiển thường ký ngay. Tổng số tiền thất thoát trong giai đoạn bị cáo Hiển làm Viện trưởng, Chủ tài khoản là hơn 23 tỷ đồng.
Tại Cơ quan điều tra, bị cáo Hiển và bị cáo Đức Anh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, nhận thức hành vi buông lỏng quản lý tài sản, chưa chấp hành đúng chế độ tài chính trong thời gian dài của bản thân là nghiêm trọng, gây thất thoát lớn về tài sản cho Nhà nước…
Liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử còn kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm đối với ông Trần Như Dương (Phó Viện trưởng, Trưởng Trung tâm Dịch vụ thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) để làm rõ những hành vi có liên quan đến dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ án này, ông Dương bị xác định trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2022 đã ký 33 giấy ủy quyền, ủy nhiệm chi để bị cáo Hoàng rút tiền từ Trung tâm dịch vụ chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…