Tin sáng 24/9: Lộ diện vị trí 3 thành phố mới ở Hà Nội; Thanh Hóa 'bác' thông tin vỡ đê
Hà Nội đặt ra tầm nhìn phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2045; Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thông tin vỡ đê, nước ngập sâu được đăng tải trên mạng xã hội là thông tin thất thiệt, không đúng sự thật...
Lộ diện vị trí 3 thành phố mới ở Hà Nội
Hà Nội đặt tầm nhìn trong giai đoạn năm 2045 hình thành TP phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh; phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai tiến tới hình thành TP phía Tây và phát triển đô thị tại Phú Xuyên, Thường Tín để hình thành TP phía Nam.
Nội dung trên được UBND TP Hà Nội nêu tại Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 (gọi tắt là Chương trình) vừa trình HĐND TP xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp chuyên đề dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9/2024, theo Vietnamnet.
Theo đó, Chương trình đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt khoảng 55-65% (hiện là 49,1%) và đến năm 2035 đạt khoảng 60-70%.
Về số lượng quận, dự kiến thành phố sẽ có 16 quận (12 quận hiện có và 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập quận).
Danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và quận, phường dự kiến thành lập mới được thực hiện theo đề án, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân.
Số lượng đô thị, danh mục đô thị, đô thị dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và đô thị dự kiến thành lập mới thuộc thành phố trực thuộc Trung ương theo phân loại đô thị.
Trong đó, hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đô thị của 16 quận nội thành tương đương đô thị loại đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô. Công nhận thành phố loại III – Sơn Tây trực thuộc Thủ đô.
Đáng chú ý, trong Chương trình, Hà Nội đặt ra tầm nhìn phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2045, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo quy hoạch chung để tiến tới hình thành TP phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành TP phía Tây.
Khu vực Phú Xuyên, Thường Tín cũng được đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị để tiến tới hình thành TP phía Nam.
Đề xuất chỉ bắn pháo hoa tại 1 địa điểm ở Hà Nội ngày 10/10
Theo Lao Động, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố về việc đề xuất tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Theo tờ trình, để tập trung khắc phục hậu quả do bão Yagi (bão số 3) gây ra và chung tay góp sức ủng hộ đồng bào, nhân dân những vùng bị thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề xuất Thành phố Hà Nội chỉ tổ chức bắn pháo hoa tại 1 điểm, 2 trận địa ở quận Hoàn Kiếm từ 21h30 đến 21h45 ngày 10/10.
Với 29 quận huyện, thị xã còn lại của Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô đề xuất không tổ chức bắn pháo hoa.
Về điểm bắn pháo hoa tại quận Hoàn Kiếm, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, lượng đạn pháo hoa và các nhiệm vụ triển khai vẫn thực hiện theo đúng Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 29/6/2024 của thành phố.
Trước đó, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai 30 điểm bắn với 31 trận địa. Trong đó, 1 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp với 800 quả và 24 giàn hỏa thuật với 480 ống hỏa thuật tại tại Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình kết hợp khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.
Thanh Hóa "bác" thông tin vỡ đê
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa mới đây cho biết thông tin vỡ đê, nước ngập sâu được đăng tải trên mạng xã hội là thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, theo Người lao động.
Trước đó, sáng cùng ngày (23/9), trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin cùng hình ảnh phản ánh tuyến đê qua xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị vỡ, nước ngập sâu.
Theo ông Hoàng, nơi bị ngập là đường bao ở ngoài đồng vùng ngoại đê, mỗi khi mưa lớn nước sông dâng cao thường tràn qua.
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước sông Lèn vượt mức báo động 2 khiến nhiều hộ dân ven đê thuộc các xã Thuần Lộc, Phong Lộc, Quang Lộc bị ảnh hưởng, nước tràn vào đồng, khu dân cư.
Sau khi đi kiểm tra, nắm bắt thông tin, huyện Hậu Lộc đã thực hiện di dời hơn 100 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Miền Trung giảm mưa
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 24/9, mưa lớn ở khu vực Trung Bộ có xu hướng giảm.
Trước đó, tối 23/9, khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to; khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.
Theo cơ quan này, mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27.11.2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21.2.2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều người đó là quy định liên quan tới việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Nghị định mới đã sửa đổi Điều 42 của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27.11.2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm đó là: Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, của pháp luật và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
Đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Có thời gian giữ chức vụ, chức danh đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương) hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực theo tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định;
Về điều kiện về tuổi bổ nhiệm, Nghị định mới nêu rõ:
Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm. Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ, chức danh đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định;
Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật".