Startup muốn làm ‘Grab trong ngành vận tải’, Shark Bình kể lại nỗi đau đứng trên vai người khổng lồ 12 năm trước, sau 4 – 5 năm làm ngon thì bị hất xuống
Đặc điểm lớn của mô hình kinh doanh này là tính không bền vững”, Shark Bình nhận định. 12 năm trước, ông lập ra Ship Chung, vận hành theo kiểu “đứng trên vai người khổng lồ”. Sau 4 – 5 năm hoạt động rất tốt, startup này bị “người khổng lồ hất xuống”.
Không phân biệt được doanh thu và GMV, startup vẫn định giá mình 5 triệu USD
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mới đây, Ghephang.com muốn kêu gọi 250.000 USD đổi lấy 5% cổ phần, tương đương với định giá sau rót vốn là 5 triệu USD.
Chính thức ra mắt thị trường vào tháng 9/2023, Ghephang có hai ứng dụng là Xe Ghép Hàng và Ghép Hàng hướng tới hai đối tượng là tài xế và khách gửi hàng.
Đỗ Sỹ Quang – Nhà sáng lập Ghephang.com - cho biết thị trường hiện có 600 ngàn chiếc xe vận tải nhưng đều gặp phải “nỗi đau” chung chưa thể xử lý triệt để - Xe đi một chiều thì có hàng còn chiều quay lại thì không, gây lãng phí về tài nguyên cũng như ảnh hưởng môi trường.
“Ghép Hàng đang giúp khách hàng giảm được 30% chi phí và giúp các nhà xe tăng 30% chi phí trên mỗi đơn hàng”, Nguyễn Anh Tuấn – COO Ghephang.com - cho biết.
6 tháng đầu năm 2024, Ghephang đã mở được 11 điểm giao nhận hàng trên toàn quốc, với số lượng xe tải đang hợp tác là 3.000 xe và 1.500 khách gửi hàng thường xuyên.
Về kết quả kinh doanh, Quang cho biết Ghephang ghi nhận 486 đơn vận chuyển/tháng với giá trị trung bình là 3,2 triệu/đơn, thu về 4,76 tỷ. Lợi nhuận trung bình đạt 17,8%.
Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh, đại diện Ghephang.com dự kiến đến hết năm 2024 đạt 30 tỷ.
"Soi" số liệu tài chính của startup, Shark Minh Beta chỉ ra rằng với 486 đơn hàng có giá trị mỗi đơn khoảng 3,2 triệu thì tổng giá trị hàng gửi tầm 1,5 tỷ một tháng, startup lấy 17,8% hoa hồng thì doanh số chỉ khoảng từ 260 – 300 triệu mỗi tháng.
“Làm sao có thể tin được là một năm có thể đạt được 30 tỷ doanh thu”, Shark Minh Beta thắc mắc.
- “Thời điểm vận tải phát triển nhất là cuối năm…”, Quang đáp lời.
- “Từ đầu năm tới giờ các bạn đạt doanh số bao nhiêu?”, Shark Minh tiếp tục chất vấn.
- “4 tỷ 760 triệu trong 6 tháng”, Quang nói.
- “Đó là giá trị cước của đơn hàng chứ không phải doanh thu”, Shark Vân nói thêm
- “Chúng mình đang nói chuyện về doanh thu. Tháng cao nhất doanh thu của các bạn chỉ đạt 260 – 300 triệu đồng thì không thể nào 6 tháng đầu năm đạt doanh thu hơn 4 tỷ. Số không hợp lý”, Shark Minh nhận định.
Shark Bình kể lại “nỗi đau” đứng trên người khổng lồ, sau 4 – 5 năm làm ngon thì bị người khổng lồ hất xuống
Shark Bình nhận định mô hình kinh doanh của Ghephang.com là OTT (Over the top), là đối tượng trung gian, không có nguồn lực gì. Startup đang sử dụng các nguồn lực sẵn có của các hãng vận chuyển khác – những đơn vị có xe - và đi bán hàng cho họ theo các đường tuyến.
“Một đặc điểm rất lớn của mô hình kinh doanh này là tính không bền vững”, Shark Bình đánh giá và kể lại trải nghiệm của mình với mô hình kinh doanh tương tự có tên là Ship Chung – startup ông lập ra năm 2012.
“4-5 năm đầu hoạt động rất tốt, cũng là OTT với các hãng vận chuyển. Và một đặc điểm của các mô hình kinh tế trung gian này là được một thời gian thì chính bản thân các hãng vận chuyển, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải gốc mà các bạn gọi là đang đứng trên vai người khổng lồ ấy họ sẽ hất các bạn xuống”.
“Lúc đấy là khách gửi hàng qua app của bạn, các hãng vận chuyển sẽ liên hệ bảo là thôi về sau anh đừng gửi qua bên này nữa, gửi thẳng bên em, em discount cho anh 5%. Chính tôi đã gặp vết xe đổ đó và tôi khuyên là bạn cũng cần phải cân nhắc lại mô hình kinh doanh của mình”.
Đã có trải nghiệm thất bại với mô hình này, Shark Bình cho biết ông không tin tưởng vào tương lai của Ghephang nên không đầu tư.
Shark Phi Vân nhận xét startup cần nhiều kiến thức và trải nghiệm về tài chính hơn để có phương hướng kinh doanh và nói đúng về con số. “Trước giờ các bạn startup cứ nói về technology, nói về IT nhưng mà cuối cùng kinh doanh mới là vấn đề”, Shark Phi Vân nói và từ chối tham gia thương vụ.