Kiên quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu người dân khi làm thủ tục đất đai
Chiều 24/9, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên giải trình để nghe các sở ngành của tỉnh trình bày về một số vấn đề nổi cộm liên quan đến việc triển khai các Chương trình, Nghị quyết tại tỉnh. Trong đó có lĩnh vực đất đai.
Hai nhóm vấn đề chính được giải trình tại phiên họp là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò gạch nung truyền thống và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Giải trình về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, ông Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai tại Đắk Lắk đã giảm dần qua các năm, từ 12% vào năm 2022, xuống còn 0,71% trong 7 tháng đầu năm 2024. Chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Đắk Lắk cũng tăng 17 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 18 cả nước.
Ông Nguyễn Minh Huấn khẳng định, hiện vẫn có một số ý kiến cho rằng, ở tỉnh vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hạn, một số cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền phức cho người dân khi đến làm việc tại các đơn vị đăng ký đất đai. Sở sẽ tăng cường bồi dưỡng năng lực cán bộ, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các sai sót, sai phạm phát sinh.
Ông Nguyễn Minh Huấn cho biết: “Sở Tài nguyên môi trường chúng tôi sẽ đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, nghiệp vụ về đất đai và nâng cao đạo đức công vụ gắn với chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu. Văn phòng thường xuyên có tổ đi kiểm tra hàng tuần, trường hợp công chức, người lao động nào để hồ sơ trễ hẹn nhiều thì sẽ giải quyết xử lý theo quy định. Và trong thời gian qua đã xử lý kỷ luật cho chuyển công tác, buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng tương đối nhiều”.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ tháo dỡ các lò gạch nung truyền thống, toàn tỉnh có 31 cơ sở ở 7 huyện được xem xét hỗ trợ, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,3 tỷ đồng. Hiện còn 3 huyện là Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông chưa bố trí ngân sách chi trả với số tiền 1,9 tỷ đồng. Giải trình về nguyên nhân này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng các cơ sở sản xuất gạch thủ công chủ yếu là các hộ gia đình, việc chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ diễn ra ở nhiều thời điểm dẫn đến việc kiểm tra, xác minh của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Lý do khác là các địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cán bộ triển khai thực hiện còn lúng túng.
Về nội dung này, ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu: “Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát công tác phổ biến hướng dẫn tại các địa phương, đảm bảo 100% các cơ sở thuộc đối tượng xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 21 nắm bắt được chính sách. Tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ các cơ sở và triển khai hỗ trợ theo đúng quy định. Chỉ đạo bố trí ngân sách để chi trả tiền hỗ trợ trên các địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông đảm bảo công bằng, đúng quy định”.