Các hãng dược tăng cường nghiên cứu vaccine chống lại biến thể Omicron
PLBĐ - Omicron - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu. Hiện, các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đang bắt tay vào nghiên cứu loại vaccine để chống lại biến thể này.
Nga cho biết, vaccine COVID-19 của họ do Viện Gamaleya phát triển có thể ngăn chặn biến thể Omicron và nước này sẵn sàng sản xuất hàng trăm mũi tiêm tăng cường.
"Viện Gamaleya tin rằng vaccine Sputnik V và Sputnik Light sẽ vô hiệu hóa biến thể Omicron vì chúng có hiệu quả cao nhất với các đột biến khác. Trong trường hợp cần tới sự điều chỉnh, phiên bản mới của Sputnik V cho biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô trong 45 ngày tới. Hàng trăm triệu liều vaccine phiên bản mới sẽ được cung cấp vào tháng 2/2022", người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) khẳng định.
Bên cạnh đó, các hãng dược phẩm BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson (J&J) cũng đang nghiên cứu phát triển các loại vaccine đặc hiệu chống lại biến thể Omicron. Cụ thể, trong thông báo ngày 29/11, hãng BioNTech (Đức) cho biết đã bắt đầu cùng với đối tác Pfizer (Mỹ) nghiên cứu bào chế một loại vaccine có thể chống lại biến thể Omicron.
Trong khi đó, Giám đốc Y tế của Moderna cho biết, hàng trăm nhân viên của công ty đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu điều chỉnh vaccine ngay khi thông tin đầu tiên về biến thể Omicron được công bố. Moderna đang nỗ lực cải thiện liều vaccine tăng cường tập trung vào biến thể Omicron, đồng thời đang thử nghiệm một liều tăng cường khác với liều lượng cao hơn so với liều hiện nay.
Ngoài ra, Moderna cũng nghiên cứu nhiều liều vaccine tăng cường khác có khả năng bảo vệ con người trước các biến thể của virus SARS-CoV-2. Họ sẽ phải mất vài tuần để biết liều các vaccine hiện có có thể bảo vệ con người trước biến thể này hay không. Trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022.
J&J cũng đang đánh giá hiệu quả của vaccine COVID-19 chống lại Omicron. Đồng thời, hãng nghiên cứu một loại vaccine dành riêng cho biến thể mới nguy hiểm này.
Mathai Mammen - Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển dược phẩm toàn cầu của J&J cho biết: "Chúng tôi đã bắt tay vào thiết kế và phát triển một loại vaccine mới chống lại Omicron và sẽ nhanh chóng tiến hành các nghiên cứu lâm sàng nếu cần".
Nhà sản xuất vaccine Sinovac Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt phiên bản vaccine COVID-19 ngừa biến thể Omicron nếu cần.
"Công nghệ và sản xuất là giống nhau. Chúng tôi có thể nghiên cứu và chuẩn bị rất nhanh để sản xuất vaccine sau khi phân lập được dòng virus. Sản xuất không phải là một vấn đề. Nhưng các nghiên cứu liên quan cần phải được hoàn thành và loại vaccine mới cần được chấp thuận sử dụng theo các yêu cầu quy định. Còn quá sớm để nói liệu có cần phải phát triển và sản xuất một loại vaccine riêng biệt cho biến thể Omicron hay không", Sinovac tuyên bố.
Được biết, trước đó Sinovac đã phát triển vaccine bất hoạt chống lại các biến thể Gamma và Delta. Hãng đã không thay đổi thiết kế vaccine ban đầu mà họ cho là có hiệu quả chống lại các chủng trước đó.
WHO đã xếp Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại". Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng xếp biến Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.
Biến chủng Omicron có tên ban đầu là B.1.1.529, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana. Hiện, hiến chủng này đã xuất hiện ở nhiều nước như Israel, Anh, Italy và một số nước châu Âu.
Biến chủng Omicron gây lo ngại vì có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.
T.H (th)