Thiếu niên dùng dao chém xe cảnh sát, đòi thả bạn sẽ bị xử lý như thế nào?
PLBĐ - Khi bạn bị Thượng úy công an khống chế vì vi phạm giao thông, thiếu niên 17 tuổi đã dùng dao đe dọa, chém vào xe của cảnh sát để "giải cứu" bạn. Với hành vi này, đối tượng sẽ bị xử như thế nào?
Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang tạm giữ Hoàng Quốc Anh (SN 2004, trú tại Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi "Chống người thi hành công vụ". Theo cơ quan công an, khoảng 16h20 ngày 26/11, Thượng úy Phan Tuấn Thành - cảnh sát khu vực Công an phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) phát hiện 1 nhóm khoảng 15 thanh niên lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, có biểu hiện lạng lách, bốc đầu.
Thượng úy Thành ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính nhưng các đối tượng bỏ chạy. Thượng úy giữ được một đối tượng là N.Đ.V. (SN 2004, trú tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cùng 1 chiếc xe máy.
Lợi dụng lúc Thượng úy Thành đang khống chế V., Hoàng Quốc Anh từ phía sau chạy bộ lên, lấy xe máy của V. phóng đi. Khoảng 1 phút sau, Quốc Anh điều khiển xe máy của V., tay trái cầm một con dao dài khoảng 50cm, quay lại vị trí Thượng úy Thành đang giữ V.
Lúc này, Quốc Anh ngồi trên xe, cầm dao hướng về phía cảnh sát và đe dọa: "Thả bạn tao ra!". Tuy nhiên, Thượng úy Thành vẫn kiên quyết xử lý nên Quốc Anh cầm dao chém 2 nhát vào xe máy của Thượng úy, làm vỡ mặt nạ, rách yên xe. Ngay lúc đó, người dân hô hoán vào hỗ trợ thì Quốc Anh điều khiển xe bỏ chạy.
Đến ngày 27/11, Hoàng Quốc Anh được gia đình đưa đến Công an quận Bắc Từ Liêm đầu thú và khai nhận hành vi vi phạm. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo dõi vụ việc trên, dư luận không khỏi bức xúc vì thái độ và hành vi coi thường pháp luật của Hoàng Quốc Anh và các đối tượng có liên quan. Nhiều bạn đọc thắc mắc, đối tượng 17 tuổi sẽ bị xử lý như nào?
Trả lời thắc mắc trên, trao đổi với Tri thức trực tuyến, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Hoàng Quốc Anh và nhóm bạn sẽ bị xử phạt hành chính lỗi vi phạm quy định về an toàn giao thông. Bởi vì, các đối tượng đã có hành vi vi phạm giao thông như: điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, bốc đầu... Bên cạnh đó, Quốc Anh còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ".
Luật sư Cường lý giải, theo nguyên tắc, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, lực lượng đảm bảo an toàn giao thông và những người thi hành công vụ khác. Tuy nhiên, Quốc Anh lại có hành vi chống đối khi sử dụng vũ lực, hung khí để đe dọa lực lượng chức năng, đập phá tài sản của người thi hành công vụ. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Với vụ việc này, Quốc Anh là người chưa đủ 18 tuổi, vì vậy sẽ được áp dụng chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội, quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự.
Trong Điều 91 có nêu, tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Trong trường hợp xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
T.H (th)