Các F0 liên tục tăng, nhiều địa phương điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch

29/11/2021 11:30

PLBĐ - Hiện tình hình dịch COVID-19 ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, các địa phương đã thay đổi biện pháp phòng dịch để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Vĩnh Phúc: Tạm dừng 100% các hoạt động chưa cần thiết để chống dịch 

Theo Dân trí đưa tin, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục xuất hiện các ca mắc/nghi mắc COVID-19, số lượng F1 tăng cao. Do đó, Vĩnh Phúc phải có các giải pháp khẩn cấp để phòng chống dịch.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành phố tạm dừng 100% các hoạt động chưa cần thiết, kiểm soát các nguy cơ, tăng xét nghiệm tầm soát theo hướng xã hội hóa. Đặc biệt, tại 2 huyện là Yên Lạc và Vĩnh Tường.

Bên cạnh đó, tỉnh khẩn trương hoàn thiện để sẵn sàng hoạt động cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 120 giường bệnh. Riêng huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường bổ sung thêm mỗi huyện 1 cơ sở điều trị bệnh nhân thể nhẹ.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu 5 địa bàn gồm thành phố Phúc Yên, huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, Bình Xuyên cần hết sức khẩn trương hoàn thành cơ sở điều trị 120 giường để tiếp nhận bệnh nhân điều trị.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương tập huấn, hướng dẫn, làm mẫu, diễn tập các tình huống xử trí với F0, cách ly F1, việc lấy mẫu tầm soát,… tại các đơn vị thuộc địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Các F0 liên tục tăng, nhiều địa phương điều chỉnh biện pháp phòng dịch   - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sóc Trăng: Nâng cấp độ dịch COVID-19 lên cấp 3 từ 00 giờ ngày 29/11 

Theo TTXVN thông tin, trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 28/11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc phân loại cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 00 giờ ngày 29/11, tỉnh nâng cấp độ dịch COVID-19 từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp 3 (nguy cơ cao). 

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng nhận định, khả năng sẽ còn nhiều trường hợp ca nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng hoặc các trường hợp F1 nguy cơ cao chưa được cách ly kịp thời. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết, hạn chế số lượng người làm việc tại cơ quan và không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa thật sự cần thiết trong thời gian này để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh,…

Cùng ngày 28/11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, người dân không ra đường (trừ các trường hợp cấp cứu; các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; phòng chống thiên tai; cán bộ, phóng viên; lực lượng làm công tác cấp thiết khác). Thời gian thực hiện từ ngày 28/11 cho đến khi có thông báo mới.

Vĩnh Long: Nâng cấp dộ dịch COVID-19 lên cấp độ 3 từ ngày 30/11

Ngày 28/11, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao). Thời gian áp dụng từ ngày 30/11. UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh công bố cấp độ dịch cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Danh sách cấp độ dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế cập nhật ngày 28/11/2021: Thành phố Vĩnh Long, Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn cấp độ 3; huyện Bình Tân cấp độ 2; thị xã Bình Minh cấp độ 4.

An Giang: Tăng cường kiểm soát dịch trên địa bàn

Trong ngày 28/11, tỉnh An Giang phát hiện 375 trường hợp mắc COVID-19 với 286 F0 ngoài cộng đồng, 2 ca về từ các tỉnh có dịch. Trong đó, huyện Tịnh Biên chiếm tỷ lệ cao nhất với 150 ca nhiễm mới.

Tỉnh An Giang trong một tuần vừa qua cũng ghi nhận số F0 trung bình khoảng 200-400 trường hợp/ngày. Đến nay, An Giang đã có 22.989 bệnh nhân COVID-19 (19 trường hợp tái dương tính), cao thứ 3 ở khu vực miền Tây sau Long An, Tiền Giang.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ ra vào của tỉnh và tại các nhà trọ, cơ sở lưu trú của địa bàn quản lý; tăng cường kiểm soát khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người trốn khỏi khu cách ly và lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế.

 Hậu Giang: Vận hành khu điều trị F0 tuyến huyện 

Nhiều ngày qua, mỗi ngày Hậu Giang ghi nhận từ 200 đến gần 400 ca mắc COVID-19, gây quá tải cho cơ sở điều trị tập trung tuyến tỉnh. Để ứng phó khi F0 tiếp tục gia tăng, các huyện/thị xã/thành phố đã khẩn trương thiết lập các cơ sở điều trị F0 không triệu chứng.

TP Ngã Bảy cũng đã đưa vào tiếp nhận F0 không triệu chứng tại cơ sở điều trị ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang (cơ sở 2) với quy mô 400 giường. Huyện Châu Thành cũng đưa vào sử dụng cơ sở điều trị F0 không triệu chứng tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện và 1 trường học với tổng công suất 200 giường bệnh cũng đã tiếp nhận bệnh nhân.

Ngoài ra, ở các huyện/thị xã/thành phố khác cũng đã chuẩn bị sẵn sàng khu điều trị F0 không triệu chứng để tiếp nhận F0 "Tầng 1" trên địa bàn với tổng quy mô trên 2.200 giường điều trị F0 không triệu chứng tại tuyến huyện.

Ông Trương Văn Khanh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết, thống nhất sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh triển khai trên phạm vi cả tỉnh phương án triển khai các khu điều trị tập trung ở tuyến xã nếu tình huống xấu hơn.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.210.340 ca mắc COVID-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.205.128 ca, trong đó có 955.819 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hiện, nước ta đã điều trị thành công cho 958.636 bệnh nhân COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.882 ca.

Tính đến hết ngày 27/11, số liều vaccine COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta là 115.442.521 liều. Trong đó, có 66.956.675 liều mũi 1 và 48.485.846 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 92,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 67,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

T.H (th)