Cây cỏ dại mọc khắp nơi nhưng ít người biết là thuốc khoẻ gan, ổn định huyết áp
Cỏ mần trầu là một loài cây thuộc họ lúa, rất dễ tìm kiếm, thường mọc lẫn vào nhau với cỏ dại nhưng lại mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách.
Cỏ mần trầu là gì?
Cỏ mần trầu có tên gọi khác là ngưu cân thảo, thanh tâm thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía… Tên khoa học của loài thảo dược này là Eleusine Indica Gaertn. Loại thảo dược này thuộc họ lúa, cao trung bình khoảng 20 – 90 cm, rễ của chúng phát triển rất nhanh, phần thân dài, phân nhánh thành bụi, lá so le nhau. Hoa của chúng mọc thành cụm và quả có ba cạnh.
Cây cỏ mần trầu thường mọc vào cuối mùa xuân và bị tàn lụi ngay khi mùa hè đến. Cây con được mọc từ hạt và mọc quanh năm ở những vùng núi cao, có thời tiết mưa ẩm.
Thành phần của cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu chứa nhiều hoạt chất khác nhau như: Coumarin, saponin, alkaloid, tannin, steroid, phenol. Mỗi bộ phận của loài thảo dược này sẽ chứa những thành phần đặc trưng và cụ thể như sau:
Những bộ phận trên mặt đất chứa: Beta sitosterol và beta palmitoyl.
Cành và lá chứa: Flavonoid.
Cỏ mần trầu có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền và theo các tài liệu nghiên cứu, cỏ mần trầu trong sách thuốc có tên là dã kê thảo; có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.
Có tác dụng: Bổ huyết, hành huyết, lợi tiểu, giải độc, mát gan. Dùng các trường hợp hư tổn, chướng bụng, tiểu tiện không thông, phong thấp, trị sốt rét, sốt ốm, gan nóng, huyết áp cao, viêm não, viêm màng não, trị viêm nhiễm tiết niệu, mụn nhọt…
Dưới đây là các tác dụng của cỏ mần trầu:
Giúp hạ huyết áp
Chiết xuất etanolic và chloroform từ cỏ mần trầu có đặc tính chống tăng huyết áp đã được chứng minh qua nghiên cứu về hoạt động chống tăng huyết áp của cỏ mần trầu. Các kết quả cho thấy rằng chiết xuất etanolic có tác dụng chống tăng huyết áp đáng kể hơn chiết xuất methanolic
Có tác dụng kháng khuẩn
Cây họ thân thảo này còn có khả năng kháng khuẩn từ cấp độ thấp đến cấp độ vừa tương đương với một vài loại vi khuẩn như: Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn Staphylococcus aureus và Salmonella choleraesuis nhờ tác dụng của methanolic và chloroform chiết xuất từ cỏ mần trầu được chứng minh ở nghiên cứu các đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hoá, gây độc tế bào của cỏ mần trầu.
Tác dụng chống viêm, hạ sốt
Hoạt chất C-glycosylflavones chiết suất từ mần trầu có tác dụng kháng viêm hiệu quả ở nhóm chuột mắc cúm hoặc viêm phổi.
Trong một nghiên cứu khác về tác dụng kháng viêm, chiết xuất etanolic và etyl axetat của cỏ mần trầu đã được chứng minh là làm giảm phù chân chuột do xylem gây ra theo liều lượng.
Ngăn ngừa rụng tóc
Beta-sitosterol có trong cỏ mần trầu có tác dụng làm giảm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần trong cơ thể. Ngoài ra, thành phần này còn có khả năng ức chế hormone DHT- một loại hormone khiến cho tóc mỏng hơn, dễ gãy rụng và tóc chậm mọc. Hormone DHT còn ngăn chặn các nang tóc phát triển khiến cho quá trình mọc tóc bị chậm lại.
Palmitoyl trong cỏ mần trầu có tác dụng khử các gốc tự do từ đó giúp hạn chế tình trạng bị gãy rụng tóc. Ngoài ra, hoạt chất này còn có tác dụng bảo vệ và ngăn chặn những tác nhân xấu từ bên trong và bên ngoài cơ thể gây ảnh hưởng tới tóc.
Hỗ trợ bảo vệ chức năng thận
Thông qua các nghiên cứu chứng minh các chiết xuất trong loại cỏ này có thể kiểm soát được các chỉ số urea, creatinine, ion Na+ và ion K+. Đồng thời, từ trước đến nay dân gian ta đã sử dụng cỏ mần trầu để hỗ trợ lợi tiểu, bảo vệ tốt các chức năng của thận.
Tác dụng bảo vệ gan, hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu
Một nghiên cứu thực hiện trên nhóm chuột được gây béo phì cho thấy nhóm chuột được điều trị với cao chiết cỏ mần trầu trong dung môi hexan có tác dụng giảm nồng độ cholesterol toàn phần, giảm nồng độ LDL - cholesterol và tăng nồng độ HDL - cholesterol so với nhóm chuột đối chứng. Bên cạnh đó, các chỉ số ALT, AST trên nhóm chuột điều trị cũng được cải thiện. Qua đó cho thấy tác dụng bảo vệ gan và hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu của cỏ mần trầu.
Cỏ mần trầu giúp trị bệnh trĩ
Trong cỏ mần trầu có chứa beta palmitoyl, sitosterol, muối nitrat, flavonoid,... Các thành phần chống viêm, kháng khuẩn này giúp phòng ngừa sưng viêm, bội nhiễm và hoại tử ở búi trĩ.
Trong cây cỏ mần trầu có thành phần có tác dụng cầm máu, giúp tan huyết ứ. Việc này giúp tan máu tụ, ngăn ngừa xuất huyết hay chảy máu thành tia ở búi trĩ. Nhờ đó mà các tổn thương ở búi trĩ sớm phục hồi.
Cỏ mần trầu với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa nóng trong, làm mát cơ thể có tác dụng ngăn ngừa táo bón. Nhờ đó có thể giảm áp lực lên búi trĩ, phòng ngừa táo bón và chảy máu hậu môn khi đại tiện.
Lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu
Một số lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu trong điều trị bệnh như sau:
Cỏ mần trầu là loại cây mọc hoang dại, chứa nhiều bụi bẩn bám vào nên cần làm sạch trước khi sử dụng;
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cỏ mần trầu trong điều trị bệnh, đặc biệt là ở người mắc bệnh lý mạn tính, bệnh lý nền;
Thận trọng khi dùng dược liệu ở người bệnh có cơ địa nhạy cảm, trẻ nhỏ;
Không dùng dược liệu trong thời gian dài hay lạm dụng dược liệu.
Cây cỏ mần trầu là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên cũng như các vị thuốc khác, cỏ mần trầu có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trong điều trị.