Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?

Nguyễn Hương 25/09/2024 17:01

Tình trạng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ đứng tên một người khá phổ biến. Trường hợp chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt không?

1. Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?

Để xác định chồng một mình đứng tên Sổ đỏ vợ có bị thiệt không thì cần xem xét hai khía cạnh của tài sản là nhà đất này thuộc tài sản chung vợ chồng hay là tài sản riêng của người chồng. Khi đó:

- Nếu là tài sản chung thì cả vợ và chồng đều có đầy đủ quyền (mua bán, tặng cho, thừa kế...), nghĩa vụ đối với thửa đất này.

- Nếu là tài sản riêng thì chỉ có người chồng có toàn quyền định đoạt, sử dụng, chiếm hữu... với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, người vợ không có quyền gì trừ trường hợp hai người có thỏa thuận khác.

Cụ thể, bài viết sẽ xét hai trường hợp:

1.1 Nhà đất là tài sản chung

Vợ chồng là người sử dụng đất và có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn,…

Hay nói cách khác, chị và chồng bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà đất dù chồng chị một mình đứng tên Giấy chứng nhận.

Bởi theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung.

1.2 Nhà đất là tài sản riêng vợ chồng

Với trường hợp nhà đất là tài sản riêng thì theo khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng sẽ do vợ hoặc chồng tự thực hiện trừ trường hợp:

  • Vợ chồng có thỏa thuận khác
  • Người sở hữu nhà, đất không thể quản lý tài sản riêng của mình cũng không ủy quyền cho người khác thì người còn lại được quyền quản lý tài sản riêng của người kia.

Như vậy, theo Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, tùy vào trường hợp nhà đất đứng tên một mình người chồng là tài sản riêng hay tài sản chung để xác định người vợ có quyền với khối tài sản đó và có "thiệt thòi" không.

Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ

2. Cách để vợ chồng cùng đứng tên Giấy chứng nhận

Theo điểm 3 khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung vợ chồng nhưng Sổ đỏ chỉ ghi tên mình chồng hoặc mình vợ mà vợ chồng có yêu cầu ghi cả tên vợ chồng thì thực hiện cấp đổi lại Sổ đỏ.

Theo đó, trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận như sau:

2.1 Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 2 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, người thực hiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (mẫu 11/ĐK)
  • Giấy chứng nhận (bản gốc)
  • Giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác về hôn nhân (bản sao) nếu cơ quan có thẩm quyền không thê khai thác, sử dụng được thông tin về tình trạng hôn nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

2.2 Quy trình thực hiện thủ tục cấp đổi

Bước 1: Nộp hồ sơ

Vợ chồng chuẩn bị hồ sơ và nộp đến cơ quan tiếp nhận và trả hồ sơ gồm:

  • Bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.
  • Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết

Sau khi nhận được đủ hồ sơ của vợ chồng muốn cấp đổi Sổ đỏ thì cơ quan có thẩm quyền ở trên sẽ thực hiện khai thác, sử dụng thông tin về tình trạng hôn nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc người dân sẽ được yêu cầu bổ sung giấy tờ nếu không khai thác được.

Sau đó, nếu thuộc trường hợp phải nộp nghĩa vụ tài chính thì sẽ được nhận thông báo từ cơ quan thuế do trước đó cơ quan giải quyết đã gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính đến cơ quan thuế.

Bước 3: Trao Sổ đỏ

Sau khi thực hiện xong việc chỉnh lý, cập nhật biến động hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, cấp Sổ đỏ thì người dân sẽ được trao Sổ đỏ hoặc nhận Sổ đỏ qua cơ quan tiếp nhận ở trên.

2.3 Thời hạn thực hiện

Theo khoản 3 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời hạn cấp đổi không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trừ ngày nghỉ lễ, Tết (giảm 02 ngày so với quy định trước đây).

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt? Nếu cần được giải đáp thêm các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình và đất đai, nhà ở thì đừng quên gọi điện đến tổng đài 19006192 .

Nguyễn Hương