Tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Bộ VHTTDL đề nghị các tỉnh thành tập trung tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Hình từ Internet)
Tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, xếp hạng các cấp, nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt, UNESCO công nhận là di sản thế giới được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo. Qua đó, phát huy hiệu quả giá trị của các di tích, di sản văn hoá, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh đất nước, thu hút đông đảo du khách tham quan, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số bất cập trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ di tích và thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích.
Tại Công văn 3656/BVHTTDL-DSVH ngày 27/8/2024, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và các quy định về đầu tư, xây dựng trong việc triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, các dự án đầu tư, công trình trong khu vực bảo vệ di tích. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định; góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 77/CĐ-TTg ngày 08/8/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án (thuộc Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023), chủ động báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nếu có vướng mắc, phát sinh, đề nghị các địa phương gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để kịp thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.