Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu
Tại Nghị quyết 148/NQ-CP, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.
Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu (Hình từ Internet)
Ngày 22/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024, trong đó có việc cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.
Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu
Cụ thể, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15, Nghị quyết 110/2023/QH15 và Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Nội dung dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu cơ bản bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ về việc tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của của 04 Luật, liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu.
Bên cạnh các yêu cầu chung về xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật này với các yêu cầu cụ thể sau:
(1) Rà soát kỹ các nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm quy định thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để không phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành Luật.
Rà soát các quy định của Luật Đầu tư để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về giao khu vực biển nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư trên biển; làm rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư sử dụng khu vực biển có phạm vi từ 06 hải lý đến hết các vùng biển Việt Nam.
(2) Về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) Làm rõ cơ sở thực tiễn đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp; (ii) Xác định cụ thể điều kiện, tiêu chí điều chỉnh quy hoạch; (iii) Sự cần thiết của việc quy định thủ tục thẩm định của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
(3) Về việc bổ sung trình tự, thủ tục đầu tư đặc biệt: Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, tránh phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) Quy định rõ hơn đối tượng áp dụng; (ii) Quy định nội dung cam kết của nhà đầu tư và các tài liệu chứng minh phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan; (iii) Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ quan khác có liên quan (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các sở, ban, ngành...) trong việc xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá sau khi cấp Giấy chứng nhận, hình thức xử lý khi phát hiện vi phạm pháp luật.
(4) Về xử lý hợp đồng BT chuyển tiếp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn, xác định đầy đủ những trường hợp cần có chuyển tiếp để đề xuất quy định xử lý phù hợp, chặt chẽ, nhất là quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng, bảo đảm phù hợp với pháp luật về dân sự, pháp luật về bồi thường thiệt hại...
(5) Về việc áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, giới hạn phạm vi phù hợp các công trình, hệ thống hạ tầng cơ sở được áp dụng hợp đồng BOT thu phí trực tiếp từ người sử dụng, không làm tăng gánh nặng cho các đối tượng tham gia giao thông và không phát sinh tình trạng phí chồng phí.
(6) Về quy định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp vướng mắc phát sinh, bổ sung tối đa các gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, bảo đảm giải trình rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và lý do, căn cứ đề xuất.
(7) Về quy định đấu thầu trước: Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc quy định các gói thầu có thể thực hiện đấu thầu trước và các thủ tục được thực hiện trước khi dự án được phê duyệt; đánh giá rủi ro đối với nhà thầu trong trường hợp dự án không được phê duyệt.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 01 kỳ họp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo rà soát, xây dựng dự án Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Xem thêm tại Nghị quyết 148/NQ-CP ngày 22/9/2024.