Quy trình dễ thực hiện trước khi ngủ để kiểm soát bệnh tiểu đường

25/09/2024 19:00

Để kiểm soát tình trạng tiểu đường tăng đột biến lúc nửa đêm đến gần sáng, hãy ăn nhẹ, đi bộ, kiểm tra độ nhạy ở bàn chân, thư giãn và chăm sóc răng lợi thật kỹ trước khi đi ngủ.

Ảnh: Deposit Photos
Ảnh: Deposit Photos

Ăn nhẹ trước khi đi ngủ

Nếu bị tiểu đường loại 1 hoặc 2, bạn có thể đã phải đối mặt với thuật ngữ "hiện tượng bình minh" hoặc "hiệu ứng bình minh". Thuật ngữ này chỉ lượng đường trong máu tăng đột biến vào sáng sớm, từ hai giờ đến 8 giờ sáng. Việc tiết hormone vào sáng sớm làm tăng khả năng kháng insulin. Insulin hoặc liều lượng theo toa không đủ vào đêm hôm trước, lượng carbohydrate nạp vào trước khi đi ngủ quá ít hay gan sản xuất nhiều glucose qua đêm, đều có thể góp phần gây ra sự gia tăng đột biến lượng đường huyết này.

Vì thế, ăn một bữa ăn nhẹ nhiều chất xơ, ít chất béo trước khi đi ngủ có thể ngăn ngừa hiện tượng bình minh. Hai lựa chọn lành mạnh là hạnh nhân với sữa nguyên chất hoặc sữa nghệ, sữa hạt hoặc táo với quả óc chó. Những thực phẩm này sẽ kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn gan sản xuất quá nhiều glucose. Ngoài ra, hãy giữ khẩu phần ăn ở mức tối thiểu để không vượt quá giới hạn calo hoặc carbohydrate hàng ngày.

Đi bộ trước khi đi ngủ

Khi tham gia bất kỳ loại hoạt động thể chất nào, cơ thể sẽ đốt cháy glucose. Thông thường, lượng đường trong máu tăng sau ăn, và nghiên cứu đã chỉ ra đi bộ trước khi ngủ rất tốt cho việc duy trì lượng đường huyết ở mức bình thường.

Trong khi đi bộ, các cơ của bạn tạo ra nhiều loại hóa chất có lợi cho sức khỏe mạch máu và tuần hoàn. Điều này đảm bảo oxy và chất dinh dưỡng lưu thông lành mạnh và thích hợp đến những nơi cần thiết, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, mất thị lực và các vấn đề về tim.

Kiểm tra độ nhạy cảm hoặc chấn thương ở bàn chân

Bệnh tiểu đường kéo dài có thể khiến bàn chân mất độ nhạy cảm do tổn thương thần kinh. Điều này dẫn đến khả năng bạn không biết đến vết trầy xước hoặc mụn nước trên bàn chân, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Hơn nữa, lượng đường trong máu cao kết hợp với lưu thông máu kém khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn.

Hãy kiểm tra bàn chân mỗi tối để xem có vết nứt, loét, móng chân mọc ngược, mụn nước hoặc các bất thường khác không. Ngoài ra, nên rửa chân bằng xà phòng diệt khuẩn và nước, lau khô chân đúng cách, đặc biệt là giữa các ngón chân và băng bó phòng ngừa cho vết loét.

Vì bệnh tiểu đường có thể khiến da khô, ngứa do lượng đường trong máu tăng cao và lưu thông máu kém, bạn nên dưỡng ẩm cho bàn chân. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh thoa kem dưỡng ẩm giữa các ngón chân, nơi kem có thể không được hấp thụ, và dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Khi bị căng thẳng, các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline được giải phóng. Các hormone này cung cấp cho bạn đủ năng lượng để phản ứng với tình huống "chiến đấu hoặc bỏ chạy", nhưng chúng cũng khiến insulin khó hoạt động hiệu quả, còn được gọi là kháng insulin. Điều này dẫn đến việc các tế bào không hấp thụ được năng lượng từ cơ thể, khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Do lo lắng có tác động trực tiếp đến lượng đường huyết nên việc kiểm soát căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Trong một giờ trước khi ngủ, hãy thử thiền vài phút, hít vào và thở ra từ từ, nghe nhạc nhẹ và đọc sách để tâm trạng thoải mái hơn.

Đánh răng và dùng chỉ nha khoa

Nguy cơ mắc bệnh nướu răng và sâu răng cao hơn ở những người bị tiểu đường loại 2. Nước bọt sẽ trở nên ngọt hơn bình thường nếu bạn bị tiểu đường loại 2 và có thể gây ra bệnh nướu răng (bệnh nha chu). Điều này làm trầm trọng thêm vấn đề kiểm soát bệnh tiểu đường. Vi khuẩn phát triển trên đường và có thể ăn đường qua đêm. Do đó, phải đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách mỗi tối trước khi đi ngủ để ngăn thức ăn, vi khuẩn tích tụ.

Hướng Dương (Theo Healthify Me)