'Phụ nữ hiện đại, tự chủ cuộc sống': Nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản
Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9), Báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Phụ nữ hiện đại, tự chủ cuộc sống".
Chương trình nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ chủ động được việc mang thai và sinh con theo kế hoạch để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Buổi Tọa đàm được dẫn dắt bởi MC, BTV Mạnh Khang với sự tham dự của các bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản phụ khoa: BSCKII Nguyễn.Thị Hồng Minh - Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn Sức khỏe sinh sản – KHHGĐ - Bệnh viện Phụ sản Trung Ương; BS, Thạc sĩ Trần Thị Lan Hương; Diễn viên Thanh Hương - gương mặt quen thuộc của màn ảnh, vừa đoạt giải thưởng Cánh diều Vàng 2024 dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyền hình.
Với chủ đề "Phụ nữ hiện đại, tự chủ cuộc sống", các khách mời tại tọa đàm đã có những chia sẻ quan điểm về phụ nữ hiện đại không chỉ tự chủ trong công việc và sự nghiệp, mà còn cần chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Việc chủ động lựa chọn thời điểm mang thai khi đã sẵn sàng và có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, sức khỏe, tài chính là yếu tố quan trọng. Mang thai ngoài ý muốn có thể gây xáo trộn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sự nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và bé khi thiếu sự chuẩn bị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự thành công và hạnh phúc cá nhân của người phụ nữ mà còn tác động lớn đến sự phát triển chung của xã hội.
Thực tế, theo nghiên cứu "Đánh giá chất lượng dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam" do UNFPA thực hiện năm 2016, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết họ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Trong đó, lý do mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%), lý do sử dụng biện pháp tránh thai nhưng thất bại chiếm 8,9% và lý do phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi là 1,6%.
Trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ: tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều giải pháp giúp phụ nữ kiểm soát việc mang thai hiệu quả. Tuy nhiên, tỉ lệ phá thai do mang thai ngoài ý muốn vẫn rất cao, đặc biệt có nhiều trường hợp sử dụng biện pháp ngừa thai nhưng thất bại. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh cũng chỉ ra rằng thiếu thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản và phương pháp tránh thai hiện đại có thể dẫn đến việc sử dụng phương pháp tránh thai không hiệu quả hoặc không sử dụng. Ngoài ra, những quan niệm sai lầm, thiếu sự hợp tác từ người đối tác, áp lực từ gia đình và cộng đồng về việc tránh thai cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn tăng lên.
Góp phần tháo gỡ khó khăn trên, đại diện Bayer Việt Nam, ThS.BS Trần Thị Lan Hương chia sẻ rằng trong 8 năm qua đã đồng hành cùng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình để triển khai nhiều chương trình truyền thông cung cấp kiến thức khoa học về các phương pháp tránh thai hiện đại, loại bỏ quan niệm sai lầm, đồng thời khuyến khích phụ nữ chủ động quản lý sức khỏe sinh sản đúng cách.
Từ năm 2016 đến 2020, nhiều sáng kiến được hai bên phối hợp thực hiện như chiến dịch "Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động"; cuộc thi trực tuyến "Hiểu về tránh thai"; cuộc thi "Cùng viết nên câu chuyện truyền cảm hứng" dành cho cán bộ dân số, ứng dụng điện thoại "Sống chủ động"… giúp hơn 25 triệu phụ nữ trên cả nước nhận được sự tư vấn và hỗ trợ trực tiếp từ các cán bộ dân số về lựa chọn biện pháp ngừa thai an toàn, phù hợp.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), số ca mang thai ở tuổi vị thành niên những năm gần đây chưa có xu hướng giảm, chiếm 2,5%-3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập. Con số này thực tế có thể cao hơn nhiều do các ca phá thai được thực hiện tại các cơ sở tư nhân. Vì thế, không nên dừng lại ở việc giáo dục giới tính; các hoạt động tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sớm và phá thai an toàn cũng là những vấn đề trọng tâm được các chuyên gia khuyến khích thực hiện. Trong đó, vai trò của phụ huynh, nhà trường và các cơ sở y tế cộng đồng nhằm động viên thanh thiếu niên chủ động tham gia vào việc chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến xây dựng và tiếp nhận các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng được nhấn mạnh.
Ngoài ra, với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ, trong khuôn khổ chương trình này, Báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các đơn vị thông qua Hội LHPN tỉnh Phú Thọ và Lào Cai, đã hỗ trợ khẩn cấp 20 trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, mỗi hoàn cảnh được hỗ trợ 10 triệu đồng với mong muốn phần nào giúp họ vượt qua những mất mát do cơn bão và ổn định cuộc sống.