Năm 2024, khi nào thì người lao động bị tạm đình chỉ công việc?

26/09/2024 17:31

Năm 2024, khi nào thì người lao động bị tạm đình chỉ công việc? Thời hạn tạm đình chỉ công việc là bao lâu?

1. Năm 2024, khi nào thì người lao động bị tạm đình chỉ công việc?

Căn cứ khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

Như vậy, người lao động bị tạm định chỉ công việc khi có hành vi vi phạm và có những tình tiết phức tạp mà xét thấy cần cho người lao động tạm thời nghỉ việc để thuận tiện cho việc xác minh hành vi vi phạm.

Bộ luật Lao động và văn bản còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024)

chung cư

Giải đáp câu hỏi: Năm 2024, khi nào thì người lao động bị tạm đình chỉ công việc

(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc là bao lâu?

Căn cứ khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Lưu ý:

- Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

- Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

3. Khi xử lý kỷ luật lao động người lao động thì nhứng hành vi nào được xem là bị nghiêm cấm?

Căn cứ Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, các hành vi được xem là bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm:

- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

4. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động

Căn cứ Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được thực hiện như sau:

(i) Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động.

- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên.

- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật.

- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

(ii) Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

(iii) Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

(iv) Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

- Đang bị tạm giữ, tạm giam.

- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.

- Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(v) Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.