Đi dân quân thường trực năm 2025 là bao nhiêu năm?

27/09/2024 09:15

Bài viết dưới đây sẽ có nội dung đề cập tới quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tại lực lượng dân quân thường trực.

Đi dân quân thường trực năm 2025 là bao nhiêu năm?

Đi dân quân thường trực năm 2025 là bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)

Dân quân thường trực là lực lượng gì?

Theo Luật Dân quân tự vệ 2019, dân quân thường trực là một thành phần của Dân quân tự vệ. Cụ thể, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

(Khoản 4 Điều 2 và khoản 3 Điều 6 Luật Dân quân tự vệ 2019)

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Cụ thể, Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

(Khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Luật Dân quân tự vệ 2019)

Độ tuổi đi dân quân thường trực năm 2025

Tại khoản 1 Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019 đã quy định về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình như sau:

Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

Như vậy, độ tuổi đi dân quân thường trực năm 2025 được quy định như sau:

- Đối với công dân nam: từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi (nếu tham gia tình nguyện thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi).

- Đối với công dân nữ: từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi (nếu tham gia tình nguyện thì có thể kéo dài đến hết 45 tuổi).

Đi dân quân thường trực năm 2025 là bao nhiêu năm?

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019, cụ thể như sau:

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định.

Như vậy, công dân đi dân quân thường trực là 02 năm và có thể được kéo dài nhưng không quá 02 năm trong trường hợp có yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức.

Có phải đi dân quân thường trực sẽ không đi nghĩa vụ quân sự?

Theo khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, trường hợp công dân tham gia thực hiện nghĩa vụ Dân quân thường trực thì sẽ được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong trường hợp không còn lý do tạm hoãn nêu trên thì công dân sẽ được gọi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ngoài ra, nếu công dân thuộc diện được tạm hoãn là dân quân thường trực mà tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự thì được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ.

Như vậy, đi dân quân thường trực chỉ thuộc trường hợp tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự, sau khi hết thời gian thực hiện dân quân thường trực, công dân vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân.

(Khoản 1, 3 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015)