Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là gì? Có bắt buộc thành lập Ban quản trị không?

Ngọc Thúy 27/09/2024 14:05

Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là gì? Có bắt buộc thành lập Ban quản trị không? là nội dung được LuatVietnam làm rõ trong bài viết dưới đây.

1. Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là gì?

Khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở năm 2023 quy định về nhà chung cư như sau:

3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

Theo đó, về quyền sở hữu nhà chung cư gồm: Nhà chung cư có một chủ sở hữu và nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu.

Trong đó, khoản 11 Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ 02 chủ sở hữu trở lên, trong đó có:

  • Phần sở hữu riêng của mỗi chủ sở hữu
  • Phần sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu.

Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ 2 chủ sở hữu trở lên
Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ 2 chủ sở hữu trở lên (Ảnh minh họa)

2. Quản lý chung cư có nhiều chủ sở hữu thế nào?

Nội dung quản lý chung cư có nhiều chủ sở hữu gồm quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung và sở hữu riêng nhà chung cư. Cụ thể:

- Về quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, Điều 9 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định như sau:

(1)Đối với phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư có mục đích để ở thì các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý.

Nếu nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành thì giao cho đơn vị quản lý vận hành quản lý phần sở hữu này.

Trường hợp không thuộc diện phải có đơn vị quản lý vận hành thì Hội nghị nhà chung cư quyết định giao cho Ban quản trị hoặc giao cho đơn vị khác quản lý phần sở hữu chung này.

(2) Đối với phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp thì thực hiện quản lý theo quy định sau đây:

- Trường hợp không phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu chức năng kinh doanh dịch vụ với khu chức năng căn hộ thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý phần sở hữu chung này.

- Trường hợp phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu chức năng kinh doanh dịch vụ với khu chức năng căn hộ thì chủ sở hữu khu chức năng căn hộ có trách nhiệm quản lý phần sở hữu chung của khu chức năng này.

(3) Đối với phần sở hữu chung của khu chức năng kinh doanh dịch vụ thì do đơn vị quản lý vận hành quản lý, trường hợp không thuộc diện phải có đơn vị quản lý vận hành thì do chủ sở hữu khu chức năng này thực hiện quản lý.

(4) Đối với phần sở hữu chung của cả tòa nhà thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý.

(5) Đối với nhà sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà chung cư thì do các chủ sở hữu hoặc Ban quản trị (nếu nhà chung cư có Ban quản trị) hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện quản lý theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư.

(6)Đối với phần sở hữu chung của cụm nhà chung cư thì Ban quản trị của cụm nhà chung cư thay mặt các chủ sở hữu để quản lý phần sở hữu chung này.

- Về quản lý phần sở hữu riêng của nhà chung cư nhiều chủ sở hữu, Điều 8 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định như sau:

Chủ sở hữu nhà chung cư có thể trực tiếp hoặc có văn bản ủy quyền có chữ ký xác nhận của chủ sở hữu nhà chung cư ủy quyền cho người khác quản lý phần sở hữu riêng của mình nhưng việc sử dụng phần sở hữu riêng này phải bảo đảm:

  • Đúng công năng thiết kế
  • Đúng mục đích đã được phê duyệt
  • Không được làm ảnh hưởng đến phần sở hữu riêng của các chủ sở hữu khác hoặc phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện sử dụng, cư trú của các chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

3. Nhà chung cư nhiều chủ sở hữu có cần lập Ban quản trị không?

Khoản 1 Điều 146 Luật Nhà ở 2023 quy định, nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc không thành lập Ban quản trị nhà chung cư.

Trường hợp thành lập Ban quản trị nhà chung cư được thực hiện như sau:

- Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư;

- Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư thực hiện theo quy định như sau:

  • Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
  • Thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.

Điều này cũng có nghĩa, trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên thì bắt buộc phải thành lạp Ban quản trị.

Ngoài ra, đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có con dấu, tài khoản để hoạt động và thực hiện các quyền, trách nhiệm theo quy định.

Trên đây là giải đáp vấn đề Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là gì? Có bắt buộc thành lập Ban quản trị không? Mọi vướng mắc liên quan đến bài viết, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Ngọc Thúy