Chính sách mới về lao động – tiền lương, công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2024

27/09/2024 15:15

Bãi bỏ một số văn bản QPPL về tiền lương công chức viên chức; Các chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán;... là những chính sách mới về lao động – tiền lương, công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2024.

Chính sách mới về lao động– tiền lương, công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2024

Dưới đây là các chính sách mới về lao động – tiền lương, công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2024:

Bãi bỏ một số văn bản QPPL về tiền lương công chức viên chức

Nội dung được đề cập tại Thông tư 10/2024/TT-BNV bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, liên tịch ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/10/2024).

Đơn cử, một số văn bản QPPL về tiền lương công chức viên chức bị bãi bỏ như:

+ Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

+ Thông tư 07/2018/TT-BNV ngày 15/6/2018 quy định về việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học;

+ Thông tư liên tịch 07/2011/TTLT-BNV-BTC-BVHTTDL ngày 10/6/2011 quy định hệ số điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung đối với công, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

+ Thông tư liên tịch 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 hướng dẫn Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;…

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Chính sách mới về lao động – tiền lương, công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2024

Chính sách mới về lao động– tiền lương, công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2024

15 lĩnh vực thông tin và truyền thông người có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức

Đây là nội dung tại Thông tư 09/2024/TT-BTTTT ngày 30/8/2024 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Cụ thể, danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông mà người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý tại Điều 4 Thông tư 09/2024/TT-BTTTT như sau:

(1) Báo chí.

(2) Xuất bản, in và phát hành.

(3) Phát thanh, truyền hình.

(4) Thông tin điện tử.

(5) Thông tin đối ngoại.

(6) Thông tin cơ sở.

(7) Bưu chính.

(8) Viễn thông.

(9) Tần số vô tuyến điện.

(10) Công nghiệp công nghệ thông tin.

(11) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

(12) An toàn thông tin mạng.

(13) Giao dịch điện tử.

(14) Quản lý doanh nghiệp nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông làm đại diện chủ sở hữu.

Chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ được quy định tại khoản (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) nêu trên do người thôi giữ chức vụ, quyền hạn khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Định mức số lượng người làm việc trong ĐVSN công lập cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em

Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em; dịch vụ xã hội trong cơ sở bảo trợ xã hội công lập, căn cứ đặc điểm đối tượng, quy mô và số lượng đối tượng, định mức số lượng người làm việc chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị được quy định như sau:

TT

Chức danh nghề nghiệp chuyên ngành

Định mức số đối tượng tối đa/1 nhân viên

1.

Công tác xã hội viên chính

01 công tác xã hội viên chính quản lý trường hợp 30 đối tượng

2.

Công tác xã hội viên

01 công tác xã hội viên quản lý trường hợp 25 đối tượng

3.

Nhân viên công tác xã hội

01 nhân viên công tác xã hội quản lý trường hợp 20 đối tượng

4.

Nhân viên chăm sóc trực tiếp đối tượng tại cơ sở

a)

Nhân viên chăm sóc trẻ em

01 nhân viên chăm sóc phụ trách 01 trẻ em dưới 18 tháng tuổi, tối đa 06 trẻ em bình thường từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi hoặc tối đa 10 trẻ em bình thường từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; chăm sóc tối đa 04 trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi; chăm sóc tối đa 05 trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi

b)

Nhân viên chăm sóc người khuyết tật

01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người khuyết tật còn tự phục vụ được hoặc tối đa 04 người khuyết tật không tự phục vụ được

c)

Nhân viên chăm sóc người cao tuổi

01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người cao tuổi còn tự phục vụ được hoặc tối đa 04 người cao tuổi không tự phục vụ được

d)

Nhân viên chăm sóc người tâm thần

01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 02 người tâm thần đặc biệt nặng, tối đa 04 người tâm thần nặng hoặc tối đa 10 người tâm thần đã phục hồi, ổn định

đ)

Nhân viên chăm sóc người lang thang

01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 12 người lang thang (định mức này sử dụng cho các đợt tiếp nhận người lang thang vào cơ sở để đánh giá, đưa về địa phương)

5.

Nhân viên tâm lý

Mỗi cơ sở có ít nhất 01 nhân viên tâm lý

6.

Nhân viên y tế

01 nhân viên y tế phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho tối đa 50 đối tượng

7.

Nhân viên phụ trách dinh dưỡng

01 nhân viên phục vụ tối đa 20 đối tượng

8.

Nhân viên phục hồi chức năng

01 nhân viên hướng dẫn phục hồi chức năng cho tối đa 05 đối tượng

9.

Giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề

01 giáo viên phụ trách dạy văn hóa, dạy nghề tối đa cho 09 đối tượng

10.

Vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và hỗ trợ phục vụ tối đa không quá 20% tổng số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao

Đối với đơn vị có chức năng, nhiệm vụ có yêu cầu về vị trí việc làm thuộc chuyên môn về y tế và yêu cầu chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực khác thì đơn vị căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xác định số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán

Từ ngày 21/10/2024, Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Trong đó, quy định chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán bao gồm:

- Kế toán viên chính (hạng II): Mã số: V. 06.030

- Kế toán viên (hạng III): Mã số: V. 06.031

- Kế toán viên trung cấp (hạng IV): Mã số: V. 06.032

Đồng thời có quy định chuyển tiếp như sau:

Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn của chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán quy định tại Thông tư này tương ứng với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm; trường hợp xét thăng hạng cao hơn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Thông tư 66/2024/TT-BTC.

Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hoặc đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kế toán trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tương ứng theo quy định tại Thông tư 66/2024/TT-BTC.