Mỡ nội tạng có thể gây vấn đề sức khỏe gì ở phụ nữ?

26/09/2024 19:00

Tình trạng mỡ nội tạng cao có thể khiến phụ nữ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, buồng trứng đa nang trầm trọng hơn hay xơ vữa động mạch.

Mỡ nội tạng là tình trạng tích tụ mỡ giữa các cơ quan nội tạng như gan, tim và thận. Không giống như mỡ dưới da, mỡ nội tạng gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe hơn vì nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Mỡ nội tạng chủ yếu bao gồm VLDL (lipoprotein tỷ trọng rất thấp), triglyceride. Mỡ nội tạng cao có liên quan đến mức cholesterol xấu, ảnh hưởng đến các cơ quan dẫn đến tình trạng như bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh tim.

Ảnh: Adobe Stock
Ảnh: Adobe Stock

Bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi lượng mỡ tích tụ quá nhiều, làm suy yếu khả năng hoạt động bình thường của gan. Mỡ nội tạng là nguyên nhân chính của tình trạng này. Bệnh gan nhiễm mỡ hiện là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các rối loạn gan, đặc biệt do béo phì, kháng insulin và thói quen ăn uống kém; có thể tiến triển thành suy gan nếu không được can thiệp.

Tăng huyết áp

Tiến sĩ Pradeepta Sethy, Giám đốc khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Siêu chuyên khoa Medica, Kolkata, nói: "Mỡ nội tạng có thể tích tụ trong động mạch, hạn chế lưu lượng máu và khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến huyết áp cao (tăng huyết áp). Điều này làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các biến chứng tim mạch".

Bệnh tim thiếu máu cục bộ

Bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD) xảy ra khi động mạch vành, cung cấp máu cho tim, bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mỡ nội tạng, mảng bám tích tụ. Mỡ nội tạng làm tăng mức cholesterol và góp phần gây viêm động mạch, đẩy nhanh quá trình hình thành mảng bám, tăng khả năng thiếu máu cục bộ, giảm lượng máu cung cấp cho tim.

Kháng insulin

Kháng insulin xảy ra khi các tế bào của cơ thể trở nên kém phản ứng với insulin, một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Mỡ nội tạng sản xuất ra các chất làm gián đoạn tín hiệu insulin, làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Kháng insulin có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, cuối cùng gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

Làm trầm trọng thêm tình trạng buồng trứng đa nang (PCOD)

Mỡ nội tạng làm PCOD trầm trọng hơn bằng cách góp phần gây mất cân bằng nội tiết tố. Ở những phụ nữ mắc PCOD, mỡ nội tạng dư thừa dẫn đến tình trạng kháng insulin, làm tăng thêm mức androgen (hormone nam), phá vỡ chu kỳ kinh nguyệt và gây ra các vấn đề như kinh nguyệt không đều, vô sinh và mọc nhiều lông.

Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là tình trạng động mạch bị xơ cứng và hẹp lại do mảng bám tích tụ. Mỡ nội tạng làm tăng tốc quá trình này bằng cách làm tăng cholesterol xấu (LDL) và thúc đẩy tình trạng viêm bên trong thành động mạch.

Các biện pháp phòng ngừa mỡ nội tạng tập trung vào việc thay đổi lối sống. Điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách giảm lượng dầu mỡ, chất béo chuyển hóa và đồ uống có đường, đồng thời tránh đồ chiên, rượu và hút thuốc, là rất quan trọng. Tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng rất cần thiết để giảm căng thẳng và kiểm soát lượng mỡ tích tụ. Bổ sung trái cây, rau và protein nạc như cá và thịt gà vào chế độ ăn có thể giúp ngăn ngừa tích tụ mỡ nội tạng.

Hướng Dương (Theo Times of India)