Tuyên án 21 bị cáo lừa đảo người Việt từ Campuchia

Trần Khanh - Mai Đỉnh 28/09/2024 06:02

Ngày 27/9, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên toà sơ thẩm xét xử, tuyên án 21 bị cáo từ 12-18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Trần Việt Bắc 18 năm tù, Phạm Thị Lĩnh 16 năm tù, Nguyễn Văn Nam 15 năm tù, Trịnh Đức Thắng 15 năm tù, Hoàng Xuân Lâm 14 năm tù, Trần Đình Hoàng 16 năm tù, Nguyễn Đắc Huấn 13 năm 6 tháng tù, Phạm Văn Đối, Đào Thanh Tùng 13 năm 6 tháng tù, Đặng Văn Mạnh 13 năm 6 tháng tù, Đặng Văn Chung 13 năm 6 tháng tù, Đào Văn Long 13 năm 6 tháng tù, Đào Văn Hiểu 13 năm 6 tháng tù, Đặng Văn Vinh 13 năm 6 tháng tù, Đào Anh Tuấn 13 năm tù, Đào Xuân Minh 13 năm 6 tháng tù, Trần Văn Ngọc 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyên 14 năm tù, Nguyễn Thu Trà 12 năm tù, Nguyễn Quỳnh Anh 12 năm tù và Nguyễn Thị Tuyết 12 năm tù.

Trong số 21 bị cáo hầu toà, có 11 bị cáo đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Vũ Đông, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

b8826b99-af22-4163-9362-f9d17e1cc88f.jpeg
21 bị cáo hầu toà về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của người Việt Nam, trong khi thực hiện hành vi tại Campuchia. Ảnh: Anh Sáng.

Theo hồ sơ vụ án, từ giữa năm 2022, Trần Việt Bắc (SN 1993, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) làm phiên dịch và quản lý nhóm đối tượng người Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hàng tháng, Bắc được 2 người Đài Loan (tên thường gọi là Mắt Kính và Tiểu Khải) trả tiền lương 1.500 USD và 30% tổng số tiền lợi nhuận lừa đảo được trong tháng.

Công việc hàng ngày của Bắc là tiếp nhận người mới đến làm, phân tích về công việc, bố trí chỗ ăn nghỉ, thông báo về lương thưởng, thời gian làm việc, chấm công, đôn đốc nhân viên làm việc, giải đáp các thắc mắc của nhân viên, hướng dẫn cho các đối tượng thực hiện lừa đảo.

Giúp sức cho Bắc còn có 20 bị cáo nêu trên, cùng làm thuê cho 2 người Đài Loan thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam thông qua mạng viễn thông.

Để thực hiện việc lừa đảo, 2 người Đài Loan chia những người Việt Nam thành 3 nhóm để gọi điện thoại theo kịch bản được chuẩn bị từ trước.

Trong đó nhóm D1 làm nhiệm vụ gọi điện giả danh là nhân viên viễn thông, nhà mạng; nhóm D2 gọi điện giả danh là cán bộ cơ quan Công an, Viện kiểm sát; nhóm D3 gọi điện giả danh là lãnh đạo, chỉ huy của cơ quan Công an, Viện kiểm sát.

Thời gian làm việc của các nhóm bắt đầu từ 7h30 đến 16h hàng ngày. Đến 19h30 phút, toàn bộ nhân viên của các nhóm cùng Bắc, Lĩnh và 2 người Đài Loan họp tại hội trường.

Tại cuộc họp, Trịnh Đức Thắng (1999, trú tại huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) làm việc tại nhóm D2, được Bắc nhờ tổng hợp kết quả lừa đảo được trong ngày. Sau đó, thông báo kết quả cụ thể từng người ở các nhóm đã lừa được bao nhiêu tiền để theo dõi, tính tiền thưởng.

Đáng chú ý, buổi họp sẽ thông báo những trường hợp không lừa được tiền, nguyên nhân, lý do để cùng mọi người rút kinh nghiệm cho những lần sau.

Về lương và thưởng, các đối tượng khi bắt đầu vào làm đều được giải thích rõ công việc là giả danh nhân viên Viễn Thông, nhà mạng, Công an, Viện kiểm sát để gọi điện cung cấp thông tin gian dối chiếm đoạt tiền của công dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đối tượng được cung cấp mã số riêng, hưởng lương 800USD/tháng, nếu không đi làm đầy đủ hoặc vi phạm các nội quy như ngủ trong giờ, nói chuyện riêng lúc làm việc sẽ bị trừ lương.

Nhóm đối tượng được bố trí ăn, nghỉ không mất tiền và được thưởng % hoa hồng số tiền lừa đảo với tỷ lệ nhóm D1 là 3%, nhóm D2 là 4%, nhóm D3 là 5%.

Trong thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, với thủ đoạn nêu trên, các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt của 26 người tổng số tiền gần 12 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 1/2023, Trần Việt Bắc cùng 20 đồng phạm trong vụ án trở về Việt Nam và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình khởi tổ, bắt tạm giam.

Về trách nhiệm dân sự, 26 bị hại trong vụ án yêu cầu các bị cáo bồi thường tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 12 tỷ đồng.

Trần Khanh - Mai Đỉnh