Xây dựng công trình với 70% vốn nhà nước, 30% vốn nhân dân có thuộc đối tượng không chịu thuế?
Xây dựng công trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới với 70% vốn nhà nước, 30% vốn nhân dân thì có thuộc đối tượng không chịu thuế không?
1. Xây dựng công trình với 70% vốn nhà nước, 30% vốn nhân dân có thuộc đối tượng không chịu thuế?
Căn cứ khoản 12 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC, quy định về một trong những đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:
Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
- Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác không vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì đối tượng không chịu thuế là toàn bộ giá trị công trình.
- Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Đối tượng chính sách xã hội bao gồm:
- Người có công theo quy định của pháp luật về người có công.
- Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
- Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc xây dựng công trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới với 70% vốn nhà nước, 30% vốn nhân dân thì không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT vì đây là công trình có vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân là vốn nhà nước nhưng khoản vốn này 70%, đã vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Giải đáp câu hỏi: Xây dựng công trình với 70% vốn nhà nước, 30% vốn nhân dân có thuộc đối tượng không chịu thuế (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Thời điểm xác định thuế GTGT là khi nào?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC, thời điểm xác định thuế GTGT được quy định như sau:
(i) Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
(ii) Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
(iii) Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.
(iv) Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.
(v) Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
(vi) Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
3. Áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC, quy định về điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu.
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật.
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh.