Danh sách 08 đô thị loại 2 của Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030
Theo Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, Vùng Đông Nam Bộ sẽ có 08 đô thị loại 2 đến năm 2030.
Danh sách 08 đô thị loại 2 của Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 (Hình từ internet)
Danh sách 08 đô thị loại 2 của Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030
Ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, đã công bố Quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030 với các danh mục các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III của 06 vùng trên cả nước. Và tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, đã nêu danh sách các đô thị loại 2 trên cả nước được quy hoạch đến năm 2030.
Trong đó, đối với Vùng Đông Nam Bộ được quy hoạch có 08 đô thị loại 2 đến năm 2030 như sau:
STT | Đô thị | Tỉnh | Dự kiến loại đô thị đến năm 2030 |
1 | Đồng Xoài | Bình Phước | Loại II |
2 | Tây Ninh | Tây Ninh | Loại II |
3 | Bến Cát | Bình Dương | Loại II |
4 | Tân Uyên | Bình Dương | Loại II |
5 | Long Khánh | Đồng Nai | Loại II |
6 | Nhơn Trạch* | Đồng Nai | Loại II |
7 | Bà Rịa | Bà Rịa - Vũng Tàu | Loại II |
8 | Phú Mỹ | Bà Rịa - Vũng Tàu | Loại II |
Lưu ý:
- Đối với các đô thị sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 - 2030, tên gọi, phạm vi đô thị, loại đô thị của đô thị sau sắp xếp thực hiện theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phân loại đô thị và thành lập đơn vị hành chính đô thị.
- (*): khu vực dự kiến hình thành đô thị. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện phát triển đô thị theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phân loại đô thị và thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Tiêu chuẩn để đạt đô thị loại 2 hiện nay?
(1) Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
- Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh;
- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
(2) Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.
(3) Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 8.000 người/km2 trở lên.
(4) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên.
(5) Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
(Điều 5 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13)
Định hướng phát triển đô thị tại Việt Nam đến năm 2030
Cũng theo Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, đã nêu định hướng phát triển đô thị tại Việt Nam đến năm 2030 như sau:
- Hệ thống đô thị: Tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 03 - 05 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Dân số đô thị tăng trung bình 3,37 - 4,13%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%, phù hợp với đặc trưng sử dụng đất vùng miền.
- Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 - 10 m2; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đảm bảo chất lượng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý tại các đô thị loại II trở lên đạt 40 - 45%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đạt dưới 10%.