Mặt tối của các nhóm 'phốt' bạn trai
Việc chỉ trích ai đó trên mạng có thể gây ra nguy hiểm cho người đăng. Ban quản trị của các hội nhóm cũng không thể ngăn việc rò rỉ thông tin và loại bỏ tài khoản giả mạo.
Những từ lóng như “red flag” (tạm dịch: cờ đỏ) khá phổ biến trong thế giới hẹn hò thời hiện đại. Theo VICE , bất kỳ ai cũng có thể là “lá cờ đỏ biết đi” nếu họ làm điều gì đó không vừa lòng đối phương.
Tháng 3/2022, diễn đàn kín “Are We Dating the Same Guy?” (Chúng ta có đang hẹn hò cùng một người đàn ông?) được thành lập ở New York (Mỹ). Nó nhanh chóng phát triển thành 120 nhóm Facebook ở nhiều thành phố, bao gồm London (Anh), Los Angeles và Brisbane. Chỉ riêng London đã có hơn 8.000 thành viên.
Phần lớn người tham gia là nữ giới và rất coi trọng các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Nguy cơ tiềm ấn
“Are We Dating the Same Guy?” hoạt động như sau: người tạo bài viết sẽ đăng ảnh chụp màn hình hồ sơ của “nửa kia” trên ứng dụng hẹn hò kèm theo các nghi vấn của họ.
Các thành viên khác trả lời những gì họ biết về anh chàng: tài khoản trực tiếp, câu chuyện kết bạn, các cuộc trò chuyện, tán tỉnh...
Trong một số trường hợp, bài đăng sẽ trở thành lời cảnh báo cho những người còn lại. Các “cờ đỏ” thường xoay quanh tình huống ép buộc, tấn công, phân biệt chủng tộc, tống tiền và lạm dụng.
Bằng cách đối chiếu với vấn đề của bản thân, phụ nữ có thể "check" xem người họ "match" được có đang ngoại tình với ai khác hay không. Ngoài ra, điều này cũng giúp họ có thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng để đảm bảo an toàn cho mình.
Ở nơi có gần hai triệu người sử dụng Tinder như Vương quốc Anh, một diễn đàn luôn đứng về phía nạn nhân sẽ tạo ra sự khác biệt.
“Thật tuyệt vời khi chúng tôi bảo vệ được rất nhiều phụ nữ”, một nhà điều hành của nhóm London nói với VICE .
Khi ngày càng nhiều xu hướng hẹn hò ra đời, định nghĩa về “cờ đỏ” có thể khác nhau. Vì thế, những thông tin trên các nhóm như vậy thường mang lại lợi ích đáng kể cho nữ giới. Tuy nhiên, nó cũng gây ra rắc rối cho người khác.
Andre (27 tuổi, đến từ London), có sử dụng Tinder và Bumble, đã được thông báo về một bài đăng về chính mình bởi 3 người bạn.
“Nội dung nói tôi quá tự cao, còn cô gái trong cuộc hẹn của tôi đã hành động kỳ lạ rồi bỏ đi. Tôi biết mình ở trong nhóm đó vì có nghe nó từ nhiều nguồn. Chúng tôi đã có một số hiểu lầm. Tôi không nghĩ những nơi như này hữu ích cho bất kỳ ai”, Andre cho hay.
Bambi, một thành viên của "Are We Dating the Same Guy?" tại London, đã phản bác lại rằng nhóm giúp phụ nữ kiểm tra các đối tác tiềm năng.
“Đôi khi đàn ông cho rằng phụ nữ không cởi mở với nhau và sẽ tiếp tục làm điều tương tự với nhiều cô gái mà không chịu trách nhiệm”, cô giải thích.
Các admin cũng thừa nhận sự phức tạp khi điều hành nhóm, khi các bài đăng có thể bao gồm mọi thứ từ "Bạn trai của tôi có đang lừa dối tôi không?" đến những cáo buộc nghiêm trọng hơn về gian lận tài chính, tấn công tình dục và theo dõi.
“Chúng tôi đang cố gắng tạo ra các tài liệu đào tạo để giúp đỡ và bảo vệ nhiều người hơn. Có những lo ngại về pháp lý, sức khỏe và an toàn. Việc đăng thông tin cá nhân của một chàng trai sẽ làm tăng đáng kể khả năng bài viết đó tiếp cận được với anh ta”, một quản lý nhóm nói.
Các chuyên gia cho rằng thực ra, với bản chất của nhóm “Are We Dating The Same Guy?”, không người nào có thể tự bảo vệ mình nếu ai đó đăng bài về họ.
Đồng thời, không có cách nào để người “bóc phốt” chứng thực câu chuyện của mình trừ khi các thành viên khác ủng hộ cô ấy. Bên cạnh đó, không phải ai cũng sẵn sàng tin vào tất cả những gì đọc được trên Internet. Một số thành viên đã đặt câu hỏi về động cơ của những người đăng trải nghiệm đau buồn lên mạng.
Không thể chứng thực thông tin
Jessie (32 tuổi) tỏ ra hoài nghi khi thấy bài đăng về một anh chàng “siêu lôi cuốn” mà cô từng hẹn hò ở Mỹ.
“Qua tiếp xúc, tôi thấy anh ấy rất tốt. Nhưng ngay hôm sau, khi đang lướt Facebook, tôi thấy ảnh của anh trong nhóm. Chủ nhân bài đăng gọi anh ấy là kẻ lừa dối và lạm dụng, cùng với cáo buộc về tống tiền, bạo lực. Tôi đã rất sốc, điều đó thật đáng sợ vì tôi không nhận ra điều gì trong số này vào cuộc hẹn của mình”, Jessie kể lại.
Jessie phân vân liệu mình có nên ngừng gặp anh chàng hay không, ít nhất là cho đến khi ai đó gửi cho cô một tin nhắn trực tiếp với nhiều thông tin hơn.
“Tôi cảm thấy may mắn vì mình không trở thành nạn nhân”, cô bày tỏ.
Không phải ai cũng là thành viên của nhóm để chia sẻ thông tin về đàn ông. Một số người, như Kay sống tại Manchester (Anh), tham gia vì thích ẩn nấp xem các hoạt động đang diễn ra.
“Tôi ở đó để buôn chuyện. Tôi biết điều đó hơi kỳ lạ nhưng tôi thích đọc các bài đăng”, cô nói với VICE .
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được khi họ tình cờ phát hiện điều gì đó khó chịu về người quen.
“Tôi đọc được bài về đồng nghiệp cũ đã quan hệ tình dục với rất nhiều cô gái và sau đó không muốn nghe tin tức gì từ anh ta nữa. Tôi không muốn đề cập đến chuyện này vì lợi ích của mọi người. Vì vậy tôi chỉ ngừng trả lời tin nhắn và bảo bạn trai của tôi cũng đừng nói chuyện với anh ta”, Kay nói thêm.
Ngay cả khi phạm vi quyền riêng tư của nhóm được nâng cao, việc chỉ trích ai đó về hành vi của họ đôi khi sẽ dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Ban quản trị cũng không thể ngăn các thành viên rò rỉ ảnh chụp màn hình hoặc loại bỏ tài khoản giả mạo.
Tuy những nhóm "Are We Dating the Same Guy?" không đưa ra một cách hoàn hảo để giải quyết vấn đề của từng người, việc chia sẻ kinh nghiệm vẫn giúp đỡ những phụ nữ như Jessie giữ an toàn khi hẹn hò và Kay có cơ hội lọc bạn bè.
“Những người tham gia các diễn đàn này có thể khám phá ra thông tin quan trọng để bảo vệ mình. Nhưng hãy nhớ rằng Internet sẽ gây hại nếu sử dụng không đúng cách”, Mairead Molloy, nhà tâm lý học về mối quan hệ và giám đốc toàn cầu của dịch vụ mai mối Berkeley International, nhận định.