Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch yêu cầu địa phương bố trí quỹ đất dự trữ để nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng cảng hàng không tại Dầu Tiếng (gọi tắt sân bay Dầu Tiếng). Trước đây, tỉnh Bình Dương đã có chủ trương quy hoạch khu đất sân bay quốc phòng tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 0,5 km2. Tuy nhiên, vào năm 2023, tỉnh Bình Dương đã dự kiến bổ sung vào quy hoạch dự án sân bay lưỡng dụng với diện tích khoảng 2-5 km2. Theo quy hoạch, xã Định An của huyện Dầu Tiếng là nơi bố trí đất cho dự án này. Song đề xuất này mới chỉ là ý tưởng của tỉnh, chưa được thông qua. Với tổng diện tích lên tới 2-5 km2, dự kiến đây sẽ là sân bay đáp ứng được hai mục tiêu: quân sự và dân sự. Cụ thể, sân bay sẽ được sử dụng để phục vụ các hoạt động của không quân Việt Nam, đảm bảo khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng quân đội trong tình huống cần thiết. Bên cạnh đó, khi khai thác các chuyến bay thương mại sẽ giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh lân cận. Hiện nay, Uỷ ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ quy hoạch sân bay Dầu Tiếng trên địa bàn xã Định An giai đoạn 1 (giải phóng mặt bằng) với khoảng 50 ha, bao gồm trên 44,3ha đất Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng và trên 5,1ha đất của các hộ dân. Trên thực tế, việc thu hồi đất được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện từ năm 2015 với mục đích vụ quy hoạch xây dựng sân bay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy hoạch chi tiết các điểm đất doanh trại, thao trường, công trình đất quốc phòng huấn luyện chiến đấu; xây dựng doanh trại, căn cứ, kho tàng trận địa phòng thủ góp phần bảo vệ tổ quốc. Thời điểm hiện tại, đất ở xã Định An (huyện Dầu Tiếng) chủ yếu là rừng cao su bạt ngàn. Tuy nhiên, vin vào việc rục rịch thu hồi đất để làm sân bay, nhiều “cò đất” đã thổi giá đất, làm nên “cơn sốt ảo” của thị trường bất động sản nơi đây. Trước đây, giá chuyển nhượng các lô đất rơi vào khoảng 1,5-2 tỷ đồng/ha (tuỳ vị trí), đến đầu năm 2023 khi thông tin đề xuất làm sân bay Dầu Tiếng đã khiến giá đất thổi lên gấp 2-3 lần. Song, hiện tại dự án chỉ đang trong giai đoạn lập kế hoạch và đề xuất, chờ phê duyệt từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Dự kiến, quá trình xây dựng và hoàn thiện sân bay có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, tuỳ thuộc vào trình tự phê duyệt và nguồn vốn đầu tư. Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn trong lĩnh vực hạ tầng, hàng không và logistics. Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước, dự án có thể kêu gọi vốn từ các nguồn đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các chương trình hỗ trợ phát triển. Song song với quy hoạch sân bay lưỡng dụng, tỉnh Bình Dương đang đầu tư hạ tầng giao thông đường sông, đường sắt để kết nối vùng. Điển hình như các dự án: Đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, mở rộng đường ĐT.746… Trên ảnh là dự án mở rộng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (ĐT.746). Dự án sân bay lưỡng dụng Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương không chỉ mang lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế - xã hội mà còn đóng góp vào an ninh quốc phòng. Với quy hoạch và triển khai đúng tiến độ, sân bay này sẽ trở thành một trong những điểm nhấn hạ tầng quan trọng của miền Nam, tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện của khu vực.
Bài và ảnh: Ni Na