Bất ngờ loại nước ép giá rẻ này lại là 'cứu tinh' cho người cao huyết áp
Uống loại nước ép này thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học & dinh dưỡng vào năm 2019 chỉ ra rằng việc uống một loại nước ép trái cây mỗi ngày có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Điều đặc biệt là loại quả này rất quen thuộc và được bán với mức giá bình dân. Đó chính là nước ép từ quả cà chua.
Theo thống kê, khoảng 1/3 dân số Vương quốc Anh đang phải chung sống với căn bệnh tăng huyết áp, hay còn gọi là huyết áp cao. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó thậm chí không hề biết mình mắc bệnh bởi căn bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng.
Huyết áp cao là tình trạng tim phải hoạt động vất vả hơn bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể, gây áp lực lên tim, mạch máu và các cơ quan khác. Nếu không được điều trị kịp thời, huyết áp cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ và đau tim.
Để kiểm soát huyết áp, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, chúng ta nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều muối - thủ phạm khiến cơ thể giữ nước và làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm và đồ uống lại có tác dụng giúp hạ huyết áp hiệu quả.
Nghiên cứu về nước ép cà chua được thực hiện bởi các nhà khoa học Tokyo (Nhật Bản) trên 481 người tham gia. Trong suốt một năm, những người này được cung cấp nước ép cà chua không muối với số lượng tùy ý. Trước và sau nghiên cứu, các nhà khoa học đã sàng lọc các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, chẳng hạn như huyết áp, chỉ số mỡ máu và dung nạp glucose.
Kết quả, những người bị cao huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp, huyết áp "giảm đáng kể" sau khi uống nước ép cà chua đều đặn mỗi ngày. Lượng nước ép cà chua trung bình được tiêu thụ mỗi ngày từ 84 ml đến 215 ml, nhưng hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều uống khoảng một chai 200 ml.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết, huyết áp (BP) ở 94 người tham gia bị tiền tăng huyết áp hoặc cao huyết áp không được điều trị đã giảm đáng kể. Hơn nữa, mức cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp trong huyết thanh (LDL‐C) ở 125 người tham gia bị rối loạn lipid máu không được điều trị đã giảm đáng kể.
"Những tác dụng có lợi này không có sự khác biệt giữa các giới tính và giữa các nhóm tuổi khác nhau. Họ cũng không có khác biệt đáng kể về lối sống trước và sau nghiên cứu. Uống nước ép cà chua không muối giúp cải thiện huyết áp tâm thu và tâm trương cũng như mức LDL‐C trong huyết thanh ở cư dân địa phương Nhật Bản có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch", theo nghiên cứu.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh, những người dưới 80 tuổi có chỉ số huyết áp từ 140/90 trở lên khi được nhân viên y tế kiểm tra hoặc từ 135/85 khi tự kiểm tra tại nhà được coi là bị huyết áp cao. Đối với người từ 80 tuổi trở lên, chỉ số huyết áp từ 150/90 trở lên khi được nhân viên y tế kiểm tra hoặc từ 145/85 khi tự kiểm tra tại nhà được coi là bị huyết áp cao.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng tác dụng giảm huyết áp có thể liên quan đến lycopene - chất chống oxy hóa được tìm thấy trong cà chua. "Cà chua chứa nhiều thành phần hoạt tính sinh học mang lại lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả nước ép cà chua. Trên hết, lycopene được biết đến với hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ và khả năng ức chế quá trình oxy hóa lipoprotein. Một số nghiên cứu dịch tễ học khác cũng gợi ý rằng lycopene có thể góp phần ngăn ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch", nhóm nghiên cứu cho biết.
Cà chua là loại quả rất phổ biến trong gian bếp của nhiều gia đình. Bạn có thể dễ dàng mua cà chua ở chợ và siêu thị với giá thành rất rẻ. Cà chua không chỉ là thực phẩm phổ biến và rẻ tiền, mà còn cung cấp dồi dào các chất chống ôxy hóa, vitamin và dưỡng chất thiết yếu khác. Cà chua không chỉ chế biến được nhiều món ăn ngon mà còn ăn sống như hoa quả, làm nước ép, sinh tố và nhiều thức uống lành mạnh khác.
Các chuyên gia lưu ý thêm rằng bạn nên uống nước ép cà chua vào giữa buổi sáng hoặc giữa buổi chiều, uống sau bữa ăn khoảng 2 đến 3 tiếng để nước ép cà chua phát huy tối đa được những tác dụng của nó, đồng thời không gây hại cho sức khỏe.