Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?
Cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định về “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đến nay đã gần 3 năm thực hiện, chung cư cũ vẫn ngổn ngang chưa có thời hạn cải tạo.
Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, đến thời điểm này quận đã tổ chức kiểm định 32/74 chung cư cũ thuộc các phường Đội Cấn, Cống Vị, Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ, Liễu Giai, Trúc Bạch, đang hoàn chỉnh báo cáo kết quả để đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định làm cơ sở trình Hội đồng kiểm định thành phố phê duyệt kết quả kiểm định. Đã trình Sở xây dựng đợt 1 gồm 10 hồ sơ đã hoàn thành.
Đối với việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các khu chung cư cũ, UBND quận Ba Đình đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức mời thầu qua mạng và đã ký Hợp đồng với Viện Quy hoạch xây dựng.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sở đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo 3 năm thực hiện Đề án cải tạo chung cư cũ để gửi UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tiến độ chung đang chậm. Các quận, huyện đang tập trung vào kiểm định và lập quy hoạch chi tiết.
"Vừa qua nhiều đơn vị kiểm định chỉ tòa chung cư mà không đánh giá hạ tầng. Đa số các khu phải đánh giá hạ tầng nên Sở Xây dựng Hà Nội đang yêu cầu làm bổ sung", đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Đáng chú ý, sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó quy định Nhà nước bố trí kinh phí kiểm định nhà chung cư, lập quy hoạch; bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án, cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư.
Ngoài ra, Luật Thủ đô năm 2024 cũng có những cơ chế để nhà nước thực hiện thu hồi đất đấu giá chung cư cũ trong trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư.
Thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, ngay từ khi UBND thành phố ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND về nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vào ngày 31/12/2021, sở này đã liên tục “thúc” các quận, huyện và thị xã Sơn Tây phối hợp với nhà đầu tư trước đây nghiên cứu lập nhiệm vụ và ý tưởng quy hoạch chung cư cũ trên địa bàn quản lý. “Các đơn vị này đã ngừng nghiên cứu do không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành”, vị đại diện nêu.
Về chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập quy hoạch chung cư cũ.
KTS Nguyễn Anh Tuấn (Cty ATH Homes) nhận định, hiện nay nhiều chung cư cũ Hà Nội đang bị nhà đầu tư thờ ơ. “Lý do là cơ chế hiện nay giao quy hoạch cho các địa phương. Thử hỏi quy hoạch địa phương làm xong, đến khi gặp chủ đầu tư liệu có phải điều chỉnh hay không? Quy hoạch đó có tạo ra lợi nhuận cho chủ đầu tư khi cải tạo chung cư cũ hay không?”, KTS Tuấn đặt câu hỏi.
Ông Tuấn cho rằng, cần giao lại quyền quy hoạch cho nhà đầu tư như trước đây, họ phân định được lợi nhuận ngay trong quy hoạch thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, 3 nhà (người dân, doanh nghiệp, Nhà nước) vẫn chưa tạo được tiếng nói chung. Những năm qua vướng, bây giờ vẫn vướng, chỗ vướng chiều cao, chỗ mật độ dân số... "Nếu thành phố quyết tâm cải tạo chung cư cũ cần phân bổ quy hoạch một cách hợp lý, để doanh nghiệp muốn tham gia cải tạo chung cư cũ có thể quy gom, giải quyết được bài toán quy hoạch trong cải tạo chung cư cũ. Muốn vậy, các cơ quan quy hoạch đô thị cũng phải linh hoạt để tạo sự thông thoáng trong quá trình đầu tư", vị này nêu.