'Kho báu' Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai thế giới có thể đem về cho Hóa chất Đức Giang (DGC) 1,5 tỷ USD doanh thu?
Dự án Xút của DGC tại Nghi Sơn dự kiến sẽ được xây dựng trở lại vào quý 4/2024, có công suất sản xuất Xút 50.000 tấn/năm.
Theo một báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ban lãnh đạo CTCP Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) chia sẻ dự án Nghi Sơn giai đoạn 1 dự kiến sẽ được xây dựng trở lại vào quý 4/2024. Nhà máy có công suất sản xuất Xút 50.000 tấn/năm, hoàn thành vào khoảng quý 4/2025 và có thể hoạt động tối đa công suất sau một năm.
Theo ước tính của VCBS, Hoá chất Đức Giang có thể thu về 1.500 - 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 - 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế với giai đoạn 1. Ngoài ra, câu chuyện tăng trưởng cũng đến từ giai đoạn 2 và giai đoạn 3 nâng công suất sản xuất Xút, sản xuất PVC, và các dẫn xuất giá trị cao với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của doanh nghiệp có chia sẻ về khả năng vận hành dự án sản xuất Alumin. Dự kiến dự án được cấp giấy phép trong 2 - 3 năm tới và hoàn thành xây dựng sau 2 - 3 năm. Vì vậy, đến giai đoạn 2028-2030 dự án mới có thể đi vào hoạt động.
Theo ước tính với khả năng sản xuất 3 triệu tấn Alumin, tập đoàn có thể thu về 1,5 tỷ USD với giá Alumin hiện tại và dẫn dắt đà tăng trưởng lớn cho Hoá chất Đức Giang.
Cũng theo VCBS, tình hình ngành phân bón trong nước thuận lợi nhờ giá bán phân bón đã hạ nhiệt 30- 40% từ đỉnh giá giúp nông dân có thể sử dụng phân bón giá rẻ. Nhờ đó, sản lượng tiêu
thụ của Hóa chất Đức Giang cũng có sự hồi phục tốt, mặc dù biên lợi nhuận thấp do giá phân bón không cao.
Giá các loại nông sản như cà phê, lúa, cao su tăng mạnh giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân cho vụ sản xuất mới. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cũng được thúc đẩy sau một năm giá phân bón tăng cao và hạ nhiệt. VCBS cho rằng Hóa Chất Đức Giang sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng thuận lợi của ngành phân bón và duy trì mặt bằng kinh doanh tốt hỗ trợ cho mảng kinh doanh P4 và Acid.
Nói thêm về tình hình kinh doanh sản phẩm P4, sản lượng xuất khẩu P4 của Hoá chất Đức Giang trong tháng 7 và tháng 8/2024 phục hồi mạnh, đạt khoảng 4.700 - 4.800 tấn/tháng (tăng 160% so với cùng kỳ).
Trong đó các thị trường chủ lực như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE.. dẫn đầu đà tăng trưởng. Đặc biệt đà phục hồi mạnh tại thị trường Nhật Bản, trong đó tiêu biểu là khách hàng lâu năm của tập đoàn là Mitsubishi với doanh số bán hàng cho thấy sự tăng trưởng trở lại sau thời gian dài trì trệ.
Giá P4 được dự báo đã tạo đáy trong quý 2/2024 và tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhờ vào nhu cầu P4 cải thiện do VCBS dự báo phân bón sử dụng cho nông nghiệp tiếp tục đà phục hồi nhờ sản lượng sản xuất lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào vụ mùa Thu Đông sau giai đoạn thời tiết khắc nghiệt và hiện tại đà phục hồi diễn ra khá tốt.
Thứ hai, nhu cầu bán dẫn thế giới dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do nhiều nền kinh tế hạ lãi suất, đặc biệt là Trung Quốc đang có những biệt pháp nới lỏng nhằm kích thích kinh tế mạnh mẽ trở lại.
Theo dự phóng của Mordor Intelligence , ngành bán dẫn Nhật Bản có thể trở lại đà tăng trưởng của mình vào cuối năm 2024 với nhu cầu hồi phục nhờ nền kinh tế tăng trưởng tốt trở lại. Điều này giúp Hoá chất Đức Giang có thể gia tăng sản lượng tiêu thụ P4 của mình cũng như giá bán sẽ ở mức tốt hơn.
Câu chuyện phục hồi chung của toàn ngành bán dẫn cũng diễn ra rất tốt khi các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới thể hiện con số doanh thu tích cực.