Ai có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia?
Ai có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia? Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hiện nay được quy định ở đâu?
1. Ai có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia?
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, thời kỳ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Căn cứ STT 38 Phụ lục I ban hành kèm Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là một trong các quy hoạch ngành quốc gia.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Quy hoạch 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ là người phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
File word Đề cương so sánh Luật Đất đai 2024 với Luật Đất đai 2013 (30 trang) |
Toàn văn File Word Luật Đất đai của Việt Nam qua các thời kỳ [Cập nhật 2024] |
File Word Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 26/08/2024] |
Thủ tướng Chính phủ là người phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gồm những gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 25 Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
(i) Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường.
(ii) Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường.
(iii) Phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải; quan trắc và cảnh báo môi trường.
(iv) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư bảo vệ môi trường và thứ tự ưu tiên thực hiện.
(v) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
3. Sẽ tăng mức phạt hành chính đối với vi phạm về bảo vệ môi trường
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024. Theo đó, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đề ra các giải pháp sau:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành chính theo hướng tăng mức phạt.
- Xây dựng và ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường.
- Rà soát, xây dựng và ban hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng theo quy định, nguồn nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt.
- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cải tạo các bãi chôn lấp chất thải gây ô nhiễm.
- Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ môi trường, các công cụ kinh tế áp dụng trong bảo vệ môi trường.
- Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn.
4. Định hướng hình thành tối thiểu 02 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia
Theo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 611/QĐ-TTg, định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Đồng thời, xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:
(i) Định hướng hình thành tối thiểu 02 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia.
(ii) Định hướng hình thành tối thiểu 07 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại các vùng kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch.
(iii) Định hướng hình thành tối thiểu 01 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Xem chi tiết Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024.