Cập nhật thiệt hại do sạt lở đất tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung cập nhật thiệt hại do sạt lở đất tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Cập nhật thiệt hại do sạt lở đất tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang (Hình từ internet)
Cập nhật thiệt hại do sạt lở đất tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
Ngày 30/9/2024, Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai có BÁO CÁO NHANH về công tác phòng, chống thiên tai ngày 29/9/2024.
Theo báo cáo nhanh của VPTT BCH PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, đêm 28/9 đến sáng 29/9 trên địa bàn huyện Bắc Quang đã xảy ra mưa lớn, lũ, sạt lở đất gây thiệt hại như sau:
- Về người: 05 người chết, mất tích (do sạt lở đất: 04 người, do lũ: 01 người), trong đó:
+ Xã Việt Vinh: 01 người chết, 02 người mất tích do sạt lở đất tại Quốc lộ 2 và 01 người mất tích do lũ cuốn tại thôn Thượng Mỹ.
+ Xã Đồng Tâm: 01 người chết do sạt lở đất.
- Về nhà: 39 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại.
- Về nông nghiệp: 25,25 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.
- Về chăn nuôi: 11 con gia súc và 150 con gia cầm; 4,2ha ao cá bị thiệt hại.
- Về thuỷ lợi: 63 m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng.
- Về giao thông: Sạt lở gây ách tắc tại Quốc lộ 2, tỉnh lộ 177 và một số tuyến đường liên thôn, liên xã với tổng khối lượng 26.270m3.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, địa phương huy động lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn, rà soát, tổng hợp thiệt hại.
Mức hỗ trợ thiệt hại do sạt lở đất
Căn cứ Chương III Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về trợ giúp xã hội khẩn cấp, trong đó quy định các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị thiệt hại do thiên tai như sau:
(1) Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước
Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ.
(2) Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng
- Người bị thương nặng do thiên tai tại nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tương đương 5.000.000 đồng).
- Trường hợp người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức nêu trên.
Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
(3) Hỗ trợ chi phí mai táng
- Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tương đương 25.000.000 đồng).
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết do không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng thì được xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế, tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tương đương 25.000.000 đồng).
(4) Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi hoàn toàn do thiên tai mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.
- Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.
(5) Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai
Trẻ em có cả cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ như sau:
- Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
- Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;
- Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
(6) Hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất
- Hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích hoặc hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính do thiên ta dẫn đến mất việc làm thì được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định hiện hành.
- Trường hợp đặc biệt khẩn cấp, nghiêm trọng, việc hỗ trợ các nội dung về lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, chi phí điều trị người bị thương nặng và chi phí mai táng thực hiện theo quy trình, thủ tục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, bỏ qua bước bình xét, bảo đảm chi trả cho đối tượng kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức, công khai và minh bạch.