Món quà sinh nhật đặc biệt của người phụ nữ 10 năm chịu cảnh mù lòa

Như Loan 30/09/2024 17:37

Sau 10 năm chịu cảnh mù loà do mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc, người phụ nữ đã tìm lại ánh sáng đúng ngày sinh nhật 65 tuổi.

10 năm trước, người phụ nữ 65 tuổi, quê Yên Bái mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc, không thể nhìn thấy người và vật xung quanh. Bà luôn mong muốn được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng nhưng giải pháp này rất khó thực hiện bởi tỷ lệ người hiến ở Việt Nam cực hiếm, phải chờ đợi thời gian dài.

Hôm 25/9, người phụ nữ được các bác sĩ thông báo có người qua đời hiến giác mạc, có thể thực hiện ca ghép theo nguyện vọng. Người hiến là cụ bà 75 tuổi - mẹ của TS.BS Nguyễn Lê Trung, Phó chủ nhiệm khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103. 

“Sau ca phẫu thuật, khoảnh khắc bác sĩ gỡ băng gạc ở mắt xuống, tôi vỡ oà sung sướng. Tôi đã nhìn thấy mọi người xung quanh rõ rệt. Tôi chỉ biết cảm ơn người đã hiến giác mạc, giúp tôi tìm lại ánh sáng cuộc đời", nữ bệnh nhân nói. Niềm vui này càng trọn vẹn hơn khi bà được ghép giác mạc, tìm lại ánh sáng vào đúng ngày sinh nhật 65 tuổi.

Bác sĩ Châu kiểm tra tình trạng mắt sau ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: Đức Tâm)
Bác sĩ Châu kiểm tra tình trạng mắt sau ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: Đức Tâm)

PGS.TS.BS Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay: “Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tình trạng người nhận ổn, kết quả khá khả quan khi có thể nhìn được 1/10, tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần phải theo dõi thường xuyên trong thời gian dài”.

Trong thời gian theo dõi, người được ghép giác mạc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định tái khám của bác sĩ, cũng như tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt.

Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được thành lập từ tháng 2/2024, ghép giác mạc thành công cho 42 trường hợp, nhưng đây là ca đầu tiên nhận giác mạc từ trong nước. Nguồn giác mạc trước đây đề lấy (nhập khẩu) từ các ngân hàng mô (giác mạc) quốc tế.

Bác sĩ mong muốn, qua trường hợp này, người dân Việt Nam sẽ nâng cao nhận thức hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể. Đặc biệt là giác mạc hoàn toàn có thể hiến sau khi chết, chứ không chỉ lấy với trường hợp chết não. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 tiếng đồng hồ sau khi người hiến mất. Từ đó, một người hiến giúp mang lại ánh sáng cho hai trường hợp bị mù lòa khác.

Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách đăng ký chờ ghép có gần 1.000 người, con số này ngày tăng lên theo thời gian. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Mắt Trung ương ghép giác mạc được hơn 60 ca.

Từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007 - cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, hiện cả nước ghi nhận 963 người hiến, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). 

Phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên đông đảo và tay nghề cao nhưng nguồn giác mạc khan hiếm, lượng hiến tặng thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất là người hiến sau khi qua đời

Như Loan

Như Loan