Hôi của bị xử lý thế nào?
Gần đây có nhiều vụ việc hôi của xảy ra. Vậy hôi của là gì? Hôi của bị xử lý thế nào?
Hôi của bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)
1. Hôi của bị xử lý thế nào?
“Hôi của” là hành vi lợi dụng lúc người khác xảy ra tai nạn ngoài ý muốn để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc, tài sản của người đó một cách công khai.
Đây là dấu hiệu của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự. Cụ thể:
* Xử phạt vi phạm hành chính:
Người hôi của có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
(Điểm b khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Người hôi của có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017 với khung hình phạt như sau:
- Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ[88].
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Hành hung để tẩu thoát;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ (được bãi bỏ)
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự 2015 quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
+ 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
+ 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
+ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
+ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
(Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015)