Điểm mới về mức phạt vi phạm nồng độ cồn, trừ điểm bằng lái xe, quy định mới sắp áp dụng hàng triệu tài xế nên biết
Điểm mới của dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông có nhiều thay đổi trong đó có quy định về mức phạt vi phạm nồng độ cồn, trừ điểm bằng lái xe. Điểm mới đó là gì?
Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm giao thông để sửa đổi Nghị định 100. Điểm mới của dự thảo lần này là hạ mức xử phạt một số hành vi và đưa quy định trừ điểm bằng lái xe vào thực hiện.
Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ diễn biến phức tạp, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới, có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Cùng với đó, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
"Từ thực tế này, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe là hết sức cần thiết", đại diện Bộ Công an cho biết.
Dự thảo Nghị định mới có tên gọi "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe". Dự thảo nghị định có 4 chương, 51 điều. Điểm mới được quy định của dự thảo về các hành vi vi phạm này là trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Khi áp dụng nội dung này, mỗi người dân có bằng lái xe sẽ được cộng 12 điểm/năm; trong một năm nếu vi phạm bị trừ hết điểm sẽ phải thi sát hạch để được cấp lại bằng, trong năm đó, số điểm bị trừ không vượt quá 12 điểm thì sẽ được khôi phục lại 12 điểm mới vào năm sau.
Dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX, trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ ngay 12 điểm/lần vi phạm. Gồm:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%;
- Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ trên 35km/h.
Đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông...
Theo Bộ Công an, dự thảo Nghị định quy định việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe như hiện nay.
Mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng đối với lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức tiền phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định xử phạt tiền như trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉ đề xuất thay đổi quy định tước giấy phép lái xe thành quy định trừ điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền áp dụng từ 2 - 3 triệu đồng.
Trên TPO, Đại diện Cục CSGT (C08) - Bộ Công an (đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo) cho biết, hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Mỗi năm cơ quan chức năng tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp vi phạm.
Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân. Việc tước quyền sử dụng GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt. Do vậy, việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX khi vi phạm giao thông vừa nâng cao tính răn đe, hiệu quả vừa văn minh.