Nền kinh tế lớn đầu tiên ngừng đốt than để sản xuất điện, đóng cửa nhà máy điện cuối cùng

01/10/2024 13:00

Ngày 1/10/2024, nhà máy điện cuối cùng sử dụng than ở Anh đã đóng cửa, chấm dứt hơn một thế kỷ quốc gia này phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ than đá. Đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh.

Vào ngày 1/10/2024, nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar, nhà máy điện than cuối cùng ở Anh, đã chính thức ngừng hoạt động. Nhà máy này đã hoạt động hơn nửa thế kỷ, góp phần cung cấp điện năng từ than cho quốc gia. Chủ sở hữu của nhà máy, Uniper, cho biết khoảng 170 nhân viên sẽ tiếp tục làm việc trong quá trình tháo dỡ kéo dài hai năm.

Việc đóng cửa này được chính phủ Anh coi là một bước tiến lớn trong mục tiêu tạo ra 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Điều này cũng khiến Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 ngừng sử dụng than đá cho phát điện.

Việc ngừng sử dụng than đánh dấu chấm hết cho 142 năm sản xuất điện từ than tại Vương quốc Anh, quốc gia khởi nguồn cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhà máy Ratcliffe-on-Soar, với những tòa tháp làm mát khổng lồ và ống khói cao 199 mét, đã trở thành một biểu tượng nổi bật và quen thuộc với hàng triệu người qua lại trên tuyến đường cao tốc M1.

Ảnh chụp từ trên không Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar vào ngày 4 tháng 7 năm 2023 tại Nottingham, Anh.

Ảnh chụp từ trên không Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar vào ngày 4 tháng 7 năm 2023 tại Nottingham, Anh.

Từ năm 1990, than chiếm khoảng 80% lượng điện của Anh, nhưng đến năm 2023, con số này chỉ còn 1%. Hơn một nửa lượng điện hiện nay của Anh được cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, phần còn lại từ khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân.

Nhà máy điện than đầu tiên trên thế giới do Thomas Edison sáng lập đã ra đời tại London vào năm 1882. Từ đó, than đá trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính cho nền kinh tế Anh và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, sự suy giảm của ngành công nghiệp than đã diễn ra trong những thập kỷ gần đây khi các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn dần thay thế.

Năm 2012, than vẫn chiếm tới 39% lượng điện của Anh. Nhưng chỉ một thập kỷ sau, nhờ vào chính sách và đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, than đã gần như hoàn toàn bị loại bỏ.

Bộ trưởng Năng lượng Michael Shanks cho biết, những người từng làm việc trong ngành than có thể tự hào về sự đóng góp của họ cho đất nước trong hơn 140 năm qua. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng một thời đại mới của việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch đã bắt đầu, mang lại cơ hội mới cho nền kinh tế Anh.