Một số yếu tố giúp xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp 2024
Bài viết sau trình bày một số yếu tố giúp xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.
Một số yếu tố giúp xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp 2024 (Hình ảnh từ Internet)
1. Một số yếu tố giúp xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp 2024
Theo Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 thì sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
- Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
- Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
- Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
- Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
- Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
- Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
- Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
- Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
2. Nội dung xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp 2024
Theo Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định nội dung xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp như sau:
- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 căn cứ vào một hoặc một số yếu tố như sau:
+ Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
+ Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh;
+ Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2020/NĐ-CP;
+ Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;
+ Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh;
+ Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
+ Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
+ Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;
+ Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.
- Trong quá trình xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết.