Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo (Hình từ internet)
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo
Ngày 27/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Kết luận 959/KL-UBTVQH15 về dự án Luật Nhà giáo.
Sáng ngày 25/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo theo Tờ trình số 406/TTr-CP ngày 06/9/2024 của Chính phủ và kết luận như sau:
(1) Thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được xây dựng theo đúng quy định, thể hiện rõ chính kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
(2) Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 (tháng 10/2024) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
- Về Hồ sơ: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo kinh nghiệm quốc tế và Tờ trình của Chính phủ.
- Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Luật Nhà giáo phải đủ bao quát toàn diện các đối tượng nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (trường thuộc lực lượng vũ trang), bao gồm các loại hình công lập, ngoài công lập. Vì vậy, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tương ứng với từng nhóm chính sách đặc thù; làm rõ mối quan hệ giữa các quy định về nhà giáo công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong dự thảo Luật với các quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động.
- Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật: Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xử lý những xung đột pháp lý, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ, liên thông, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm; không quy định chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành bảo đảm sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Về đánh giá nhà giáo: Cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng các quy định về đánh giá nhà giáo; làm rõ phương thức đánh giá, tính khả thi, sự phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo và các đối tượng nhà giáo, tính đặc thù của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
- Về các chính sách đối với nhà giáo: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá. Đánh giá kỹ lưỡng tác động, việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện các chính sách. Chính sách tiền lương cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương.
05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo
Tại Nghị quyết 95/NQ-CP năm 2023 Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:
- Chính sách 1: Định danh nhà giáo;
- Chính sách 2: Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo;
- Chính sách 3: Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo;
- Chính sách 4: Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo;
- Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo.