Trai Tây bỏ việc đi chu du thế giới, chọn Việt Nam khởi nghiệp chuỗi phòng tập cho người giàu, lên Shark Tank nhận được "mưa lời khen" kèm "mưa lời từ chối"
Đến Shark Tank, cựu nhân viên ngành tài chính – ngân hàng Javier Macro Baq gọi vốn 500.000 USD cho 25% cổ phần chuỗi phòng tập Hustle Việt Nam.
Trai Tây nghỉ việc thu nhập cao vì không có thời gian thể dục đều đặn
Xuất hiện tại Shark Tank, Javier Macro Baq – Nhà sáng lập Hustle Vietnam chia sẻ về quãng thời gian làm việc trong ngành tài chính ngân hàng – thu nhập tốt, nhưng không có thời gian thể dục đều đặn. Do đó, anh quyết định nghỉ việc, để chu du thế giới.
Nói về ý tưởng khởi nghiệp Hệ thống phòng tập boutique fitness Hustle Việt Nam (Hustle), Javier Macro Baq cho biết: “ Khi đến Việt Nam, tôi nhận thấy chưa đến 1% dân số có điều kiện tiếp cận phòng gym và hơn 20% người trẻ dưới 14 tuổi đang gặp tình trạng béo phì. Tôi muốn thay đổi điều đó”.
Do đó, anh thành lập Hustle vào năm 2019 với sứ mệnh giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với luyện tập thể thao hơn. Doanh nghiệp cung cấp hai dịch vụ tập theo lớp và tập luyện với huấn luyện viên cá nhân. Hustle hiện có hai cơ sở ở Thảo Điền với 260 thành viên và cơ sở ở Gò Vấp có 140 thành viên, tất cả đều là người Việt Nam.
So với một số chuỗi phòng tập trên thị trường hiện tại, Hustle có ba đặc điểm chính.
Đầu tiên, doanh nghiệp này xây dựng cộng đồng học viên khi những khách hàng không chỉ được rèn luyện thể chất mà còn có cơ hội giao lưu, trải nghiệm bên ngoài phòng tập.
Thứ hai, lộ trình tập luyện mà Hustle đã xây dựng có hơn 50 chương trình chỉ có tại Hustle dựa trên cơ sở những nghiên cứu khoa học mới nhất.
Thứ ba, huấn luyện viên của Hustle phải trải qua một chương trình tập huấn khắt khe trong 6 tháng và khi kết thúc chương trình họ sẽ được chứng nhận quốc tế.
Founder cho biết, số tiền chi trả cho gói hội viên tại Hustle thường dao động từ 1,8-2,5 triệu đồng, do đó, phù hợp với thu nhập khách hàng khoảng 50 triệu đồng/tháng. Đây là nhóm khách có thu nhập cao so với mức trung bình của người Việt Nam.
Về bức tranh tài chính, theo founder, doanh thu cơ sở Thảo Điền trong 3 năm qua tăng khoảng 20% một năm. Năm 2022, chuỗi phòng tập đạt doanh số 5,5 tỷ đồng. Năm 2023, doanh số tăng 2 tỷ so với năm 2022. Năm nay, doanh nghiệp hướng đến doanh thu 8,5 tỷ đồng ở cơ sở này.
Còn tại Gò Vấp, năm ngoái, doanh số tăng trưởng từ 1 tỷ đồng lên 2,5 tỷ đồng vào năm ngoái.
“2024 chúng tôi mong muốn đạt doanh số trên 4,5 tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng 60% một năm”, founder Hustle nói và cho biết thêm, mỗi cơ sở có thể nhận tối đa 350 đến 400 thành viên với điểm hòa vốn là 150 thành viên. Dự kiến đạt điểm hòa vốn năm 2024.
Đến Shark Tank, Hustle kêu gọi 500.000 USD cho 25% cổ phần.
Được khen là “giấc mơ của mọi nhà đầu tư”, nhưng không được rót vốn
Sau khi nghe startup giới thiệu về doanh nghiệp, cả 5 cá mập đều quyết định từ chối đầu tư vì những lý do khác nhau.
Với Shark Bình, ông tự nhận là người không thích tập thể dục, nhưng thích các môn đối kháng. Song, doanh nhân này từ chối đầu tư vì nghĩ rằng không thể hỗ trợ nhiều cho startup “bởi có chuyên môn về D2C, online”.
Trong khi đó, Shark Tillman Schulz dành lời khen “có cánh” cho bài trình bày cũng như background của Javier Macro Baq. “Đây thực sự là màn pitch xuất sắc trong ngày hôm nay, bạn là giấc mơ cho mọi nhà đầu tư, nền tảng học vấn của bạn rất tốt. Bạn am hiểu tài chính lẫn thị trường. Bạn có câu trả lời hoàn hảo cho tất cả câu hỏi” , ông nói.
Nhưng nhận thấy startup cần một nhà đầu tư am hiểu về lĩnh vực bất động sản - một chuyên gia có thể tư vấn địa điểm để đầu tư, cá mập người Đức cũng từ chối tham gia thương vụ vì không muốn chỉ hỗ trợ được về tiền.
Ấn tượng với những con số Founder đưa ra, Shark Lê Mỹ Nga cho rằng “founder là doanh nhân thật sự”.
Theo Shark Nga, gym là một ngành cũng rất tiềm năng tại Việt Nam, tuy nhiên, rất ít phòng tập tại địa phương biết cách chứng nhận những chương trình luyện tập theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, nếu startup có thể làm tốt nếu chọn một mô hình kinh doanh tốt.
Đồng ý kiến với các Shark trước, Shark Minh Beta chia sẻ ông nhìn thấy niềm đam mê và chất lượng trong mọi việc founder làm. Tương tự các cá mập khác, Shark Minh Beta quyết định không đầu tư. Ông khuyên startup nên tìm cách tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sao cho ngoài phân khúc cao cấp vẫn có thể đáp ứng các phân khúc thấp hơn của thị trường. Để làm được điều này chi phí thấp hơn, ông cho rằng, Shark Phi Vân là người phù hợp.
Được các Shark “gửi gắm”, Shark Phi Vân chia sẻ: “Trong nhiều năm làm việc ở lĩnh vực đầu tư, bạn là một nhà sáng lập chất lượng nên tôi cực kỳ thích bạn. Tôi đã từng đầu tư cũng như exit (thoái vốn) tại một doanh nghiệp về thể hình. Do đó, tôi hiểu thị trường cũng như những thử thách mà bạn cần phải vượt qua”.
Từ đó, Shark cho rằng, mô hình của startup cần linh hoạt hơn. Dẫn chứng điều này, Shark Phi Vân nói, bạn có thể tạo ra phòng tập rộng 400 m2 hay cũng có thể là 40 m2 hay 60 m2.
“Như thế mới có thể dễ dàng nhân rộng tại Việt Nam”, Shark nói.
Shark Vân cũng quyết định không đầu tư vào Hustle nhưng ngỏ lời muốn cùng Javier Macro Baq thảo luận và tạo ra ý tưởng thật sự hiệu quả tại Việt Nam, và có tiềm năng nhân rộng ra thị trường quốc tế.