Các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm trong vận tải đa phương thức
Bài viết sau có nội dung về các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm trong vận tải đa phương thức được quy định trong Nghị định 87/2009/NĐ-CP.
Các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm trong vận tải đa phương thức (Hình từ Internet)
1. Các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm trong vận tải đa phương thức
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 87/2009/NĐ-CP thì người kinh doanh vận tải đa phương thức không phải chịu trách nhiệm về tổn thất do mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm nếu chứng minh được việc gây nên mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm trong quá trình vận chuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nguyên nhân bất khả kháng;
- Hành vi hoặc sự chểnh mảng của người gửi hàng, người nhận hàng, người được người gửi hàng, người nhận hàng ủy quyền hoặc đại lý của họ.
- Đóng gói, ghi ký hiệu, mã hiệu, đánh số hàng hóa không đúng quy cách hoặc không phù hợp.
- Giao nhận, xếp dỡ, chất xếp hàng hóa dưới hầm tàu do người gửi hàng, người nhận hàng, người được người gửi hàng, người nhận hàng ủy quyền hoặc người đại lý thực hiện.
- Ẩn tỳ hoặc tính chất tự nhiên vốn có của hàng hóa.
- Đình công, bế xưởng, bị ngăn chặn sử dụng một bộ phận hoặc toàn bộ nhân công.
- Trường hợp hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, hoặc đường thủy nội địa, khi mất mát, hư hỏng hoặc chậm trễ xảy ra trong quá trình vận chuyển do:
+ Hành vi, sự chểnh mảng hoặc lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hoặc người làm công cho người vận chuyển trong điều hành hoặc quản trị tàu;
+ Cháy, trừ khi gây ra bởi hành vi cố ý thực hiện hoặc thông đồng thực hiện của người vận chuyển.
Trường hợp mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá trình vận chuyển nói tại khoản 7 Điều 22 Nghị định 87/2009/NĐ-CP do tàu không có đủ khả năng đi biển thì người kinh doanh vận tải đa phương thức vẫn không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được rằng khi bắt đầu hành trình tàu có đủ khả năng đi biển.
2. Vận tải đa phương thức là gì?
Theo quy định tại Điều 81 Luật giao thông đường bộ 2008 thì vận tải đa phương thức là việc vận tải hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất 02 phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.
Việc đầu tư, xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, đầu mối trung chuyển hàng hóa phải bảo đảm tính kết nối với phương thức vận tải khác và các yêu cầu về tổ chức giao thông.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng bến
Ngoài ra, theo quy định mới tại Điều 67 Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ 01/01/2025 thì vận tải đa phương thức quy định trong Luật Đường bộ 2024 là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất hai phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức.
3. Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị
Việc hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị được quy định cụ thể tại Điều 79 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau
- Xe buýt phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình và dừng, đỗ đúng nơi quy định.
- Người lái xe taxi khách, xe taxi tải đón, trả hành khách, hàng hóa theo thỏa thuận giữa hành khách, chủ hàng và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông.
- Xe chở hàng phải hoạt động theo đúng tuyến, phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.
- Xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời phải được che phủ kín không để rơi, vãi trên đường phố; trường hợp để rơi, vãi thì người vận tải phải chịu trách nhiệm thu dọn ngay.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.