Nhiều giải pháp giúp khách hàng dễ dàng thực hiện sinh trắc học khi mở thẻ
Theo thông tư 18, kể từ ngày 1/10, cá nhân đăng ký mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học theo quy định. Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp khách hàng chỉ mất trung bình 2 phút để hoàn tất giao dịch.
Đây được xem là một bước nâng cao so với quy định bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo Quyết định 2345 của NHNN có hiệu lực từ 01/7/2024. Nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng giấy tờ giả và loại bỏ các tài khoản không chính chủ, giúp làm sạch tài khoản ngân hàng, giảm thiểu rủi ro gian lận và đảm bảo tài khoản ngân hàng chính chủ.
Hiện OCB đang có hai phương thức phát hành thẻ bao gồm: phát hành thẻ điện tử và phát hành thẻ trực tiếp. Đối với phương thức phát hành thẻ điện tử, khách hàng chỉ cần đăng nhập ngân hàng số OCB OMNI, thực hiện xác thực danh tính (eKYC) và sinh trắc học để mở thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ trực tiếp trên đây.
Đối với phương thức phát hành thẻ trực tiếp, giao dịch viên sẽ dùng phần mềm để thu thập thông tin mở thẻ của khách hàng. Bằng việc sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), Face maching (nhận diện khuôn mặt), NFC trong quá trình thu thập, đối chiếu và so khớp thông tin sinh trắc học với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công An, tất cả các tiêu chí về eKYC và sinh trắc học theo quy định của NHNN. Đối với hoạt động này, OCB đã nghiêm túc chấp hành và chính thức triển khai vào 01/07/2024 cho cả phương diện phát hành thẻ điện tử và phát hành thẻ trực tiếp. Do vậy, ngân hàng cho biết, việc áp dụng thông tư số 18 không gặp khó khăn gì, việc xử lý dữ liệu cũng rất nhanh chóng.
"Theo số liệu báo cáo cho thấy, khi thực hiện sinh trắc học, khách hàng sẽ chỉ cần mất trung bình 2 phút để hoàn tất giao dịch. Chúng tôi đã triển khai hàng loạt giải pháp, kịch bản để xử lý đối với các trường hợp sinh trắc học không thành công. Cụ thể, ngay khi khách hàng sinh trắc học không thành công, chúng tôi sẽ có đội ngũ liên hệ qua điện thoại để hướng dẫn trực tiếp cho khách hàng. OCB cũng có những thống kê và báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng để tổng hợp các lỗi liên quan, từ đó ngay lập tức cùng với các phòng ban, đối tác tìm nguyên nhân và khắc phục lỗi sớm nhất. Mục tiêu đem đến cho khách hàng trải nghiệm tối ưu." Bà Lưu Hồng Ngọc – Giám đốc Trung tâm Thẻ OCB cho biết.
Trước đó, từ ngày 01/7, các ngân hàng đã triển khai ứng dụng đăng ký sinh trắc học khuôn mặt trên các ngân hàng số. Dữ liệu từ NHNN cho thấy tính đến tháng 7, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh; số lượng giao dịch thanh toán qua di động và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỉ USD). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.
Do vậy, những quy định về việc thực hiện sinh trắc học được xem là một trong những phương thức hiệu quả trong việc bảo mật, bảo vệ người dùng, cũng như giúp cả ngân hàng và khách hàng yên tâm trong việc cấp tín dụng cho đúng người, tránh rủi ro tài chính cho cả hai bên.
"Việc xác thực sinh trắc học khi mở thẻ, giúp mình thấy rất an tâm vì đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi thiết thực của khách hàng. Từ đó, mình cũng không còn phải nghi ngại về việc một ngày nào đó, có người giả mạo định danh để mở thẻ ngân hàng gây tổn thất về tài chính, uy tín lịch sử tín dụng của bản thân. Ngoài ra, việc xác thực cũng diễn ra rất nhanh chóng. Như trên OCB OMNI, chỉ cần vài phút là đã hoàn thành", chị Mai (35 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ khi mới hoàn tất xác thực mở thẻ trực tuyến tại OCB.
Để thực hiện sinh trắc học, khách hàng chỉ cần chuẩn bị CCCD và thực hiện theo các bước hướng dẫn rất rõ ràng, đơn giản trên OCB OMNI hoặc trực tiếp tại các chi nhánh, PGD OCB trên toàn quốc.