Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng
Trong năm 2024, đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng.
Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng
Đây là nội dung đề cập tại Chỉ thị 01/2024/CT-CA tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2024 do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu có giải pháp khắc phục tồn tại, thiếu sót; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.
1. Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.
Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng (Hình từ internet)
Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật.
2. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Bảo đảm không để án quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án. Nâng cao chất lượng công tác tương trợ tư pháp.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn do lỗi chủ quan của Tòa án. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; chú trọng việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đối với loại án này.
4. Đảm bảo chất lượng xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc ra quyết định thi hành án hình sự bảo đảm đúng thời hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đủ căn cứ và đúng pháp luật. Kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại và xử lý nghiêm trách nhiệm của người gây oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bảo đảm khách quan, thận trọng, công bằng.
5. Làm tốt công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm việc trả lời đơn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó lại kháng nghị hoặc kháng nghị nhưng sau đó lại phải rút kháng nghị.
6. Chủ động và phối hợp với các cơ quan có liên quan phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt hiệu quả cao từ đó góp phần làm giảm áp lực công việc cho các Tòa án.
7. Tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.
8. Thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm các bản án, quyết định thuộc trường hợp phải công bố đều phải được đăng tải đúng thời hạn trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
9. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, cơ quan tổ chức hữu quan, cơ quan bổ trợ tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc. Quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được Viện kiểm sát kiến nghị và đề ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm.
Xem thêm nội dung tại Chỉ thị 01/2024/CT-CA năm 2024.