5 thói quen giúp chị em tiết kiệm tiền đầy túi

01/10/2024 16:14

Lập danh sách đồ cần mua khi đi siêu thị, giảm cân trước khi mua váy, đặt mục tiêu tiết kiệm... sẽ giúp túi tiền của bạn luôn rủng rỉnh.

Ảnh: Xiaohongshu
Ảnh: Xiaohongshu

Khi thu nhập giảm trong hai năm, Lương Thông, sống ở Hồ Nam, Trung Quốc đã thiết lập những thói quen tiết kiệm hiệu quả. Dưới đây là những đúc kết của Lương, với mong muốn giúp các cô gái trẻ có nền tảng tài chính tốt hơn.

1. Lập danh sách mua sắm

Lương Thông nhận thấy trí nhớ tốt không bằng một cây bút dở. "Tôi từng quên mất thứ mình muốn mua khi đi siêu thị. Bây giờ bạn hãy tạo thói quen lập danh sách mua sắm trước để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc", cô nói.

Hãy mua những thứ bạn cần để tránh lãng phí thời gian tìm kiếm chỗ này chỗ kia, đồng thời tiết kiệm tiền.

2. Tiết kiệm ngay và chi tiêu sau

Trước đây, Lương Thông áp dụng công thức: Thu nhập - Tiêu dùng = Tiết kiệm. Nhưng vì thế, cô không giữ được bao nhiêu. Còn bây giờ, cô áp dụng phương pháp: Thu nhập - Tiết kiệm = Tiêu dùng.

3. Mua hàng vào các ngày ưu đãi

Vào các ngày ưu đãi thường niên của tháng, quý, năm, Lương Thông đều canh để mua các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống, nhờ đó tiết kiệm tiền hiệu quả.

4. Đặt mục tiêu tiết kiệm

Lương Thông đặt mục tiêu tiết kiệm theo năm, sau đó tiếp tục chia đều số tiền cần tiết kiệm mỗi tháng. Cô nói: "Tại sao chúng ta cần mục tiêu? Vì nó là con số rõ ràng và giúp tiếp thêm động lực cho chúng ta".

Ví dụ: Nếu bạn đang tiết kiệm từ đầu năm đến tháng 9 được 50.000 USD, bạn sẽ cảm thấy mình đã làm tốt. Nhưng nếu mục tiêu tiết kiệm năm là 80.000 USD, bạn sẽ cần tiết kiệm thêm 30.000 USD trong ba tháng tới và tình hình sẽ hoàn toàn khác.

5. Hành động trước, tiêu tiền sau

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

"Chiếc váy này chắc chắn sẽ rất hợp với tôi nếu giảm cân. Tôi đã mua bộ đồ thể thao này và bắt đầu tập luyện. Sau khi đăng ký lớp học này, tôi bắt đầu học những kỹ năng mới". Đây có thể là những câu rất quen tai, được lặp lại từ ngày này sang tháng nọ của nhiều người.

Thực tế số tiền đã tiêu hết nhưng không có hành động nào được thực hiện. Lương Thông đã điều chỉnh thứ tự: hành động trước và tiêu tiền sau. Cô giảm cân trước khi mua chiếc váy yêu thích, tập thể dục nửa tháng trước khi mua đồ thể thao và tự học một tháng trước khi đăng ký lớp học.

Chi tiền cho nhu cầu thực tế và không trả tiền cho trí tưởng tượng thực sự có thể tiết kiệm nhiều tiền.

>> 6 thói quen đi chợ giúp tiết kiệm gần 100.000 USD

Hằng Trần (Theo Sohu)