Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Yêu cầu làm rõ cơ sở chọn tốc độ 350km/h
Tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ sở chọn tốc độ thiết kế 350km/h.
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Yêu cầu làm rõ cơ sở chọn tốc độ 350km/h (Hình từ Internet)
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Yêu cầu làm rõ cơ sở chọn tốc độ 350km/h
Ngày 25/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo Thông báo 441/TB-VPCP ngày 30/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (sau đây gọi tắt là Dự án), báo cáo rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h đường sắt tốc độ cao gắn với công nghệ cao, hiện đại... và giải trình rõ hơn lý do tại sao không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h.
Ngoài ra, Bổ sung rõ các luận cứ để chứng minh cần thiết phải xây dựng toàn bộ tuyến, không phân kỳ theo từng đoạn theo Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị (nghiên cứu phân tích dựa trên hiệu quả đầu tư giữa phương án đầu tư toàn tuyến so với phương án phân kỳ; ưu thế của từng phương thức đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt tốc độ cao ở cự ly nào là phù hợp nhất? trường hợp đầu tư phân kỳ từng đoạn thì có bảo đảm tỉnh kết nối, đồng bộ hay không?....).
Quan điểm vận tải hành khách là chủ yếu, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, thông qua phương án khai thác, điều độ tàu (với vận tốc thiết kế là 350km/h, vận chuyển hành khách khai thác ở tốc độ 320 km/h và khi vận chuyển hàng hóa sẽ khai thác với vận tốc thấp hơn hoặc khung giờ ban đêm, chỉ vận chuyển hàng nhẹ, hàng chuyển phát nhanh đối với hàng hóa trọng tải lớn, hàng container sẽ sử dụng đường sắt hiện hữu và phương thức vận tải khác);
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế dựa trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; có cơ chế chính sách đặc thù để huy động vốn, tổ chức thực hiện dự án và kêu gọi các thành phần khác tham gia đầu tư một số hạng mục Dự án. Về đánh giá về hiệu quả kinh tế của Dự án cần xem xét hiệu quả tổng thể của nền kinh tế khi có đường sắt tốc độ cao và đánh giá hiệu quả vận hành khai thác dự án đường sắt tốc độ cao.
Việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, độc lập tự chủ để hình thành một ngành công nghiệp đường sắt nói chung, gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia; Bộ xây dựng nghiên cứu xem xét đề xuất Đề án về phát triển ngành xây dựng đường sắt Việt Nam, trong đó lựa chọn một số doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân tham gia (thị trường của ngành đường sắt là đủ lớn).
Phát triển nguồn nhân lực: phát triển nguồn nhân lực cần tính toán đi trước một bước. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu xem xét đề xuất Đề án phát triển nguồn nhân lực (sử dụng ngân sách nhà nước) để tiếp nhận công nghệ từ xây dựng phát triển hạ tầng, cơ khí, chế tạo, quản lý khai thác và điều hành...