Bất ngờ cá tầm Sa Pa 49.000 đồng/con, thịt lợn rừng 'nhái' giá rẻ
Chợ mạng đang rao bán "giải cứu" loại cá tầm được giới thiệu có nguồn gốc từ Sa Pa với giá chỉ 49.000 đồng/con. Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với thịt lợn rừng “nhái” bán tràn lan chợ mạng với giá rẻ bất ngờ.
Rầm rộ rao bán 'giải cứu' cá tầm Sa Pa 49.000 đồng/con
Cá tầm từ lâu được biết đến là đặc sản đắt đỏ với mức giá không dưới 250.000 đồng/kg. Gần đây, theo VTC News , thị trường xuất hiện loại cá tầm có mức giá siêu rẻ. Chỉ với 49.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể mua loại cá từng được mệnh danh là “vàng đen” của giới hải sản.
Người bán cho biết, đây là cá tầm “giải cứu” có nguồn gốc từ Sa Pa (Lào Cai). Các trang trại cá tầm do ảnh hưởng của mưa lũ, bùn đất tràn vào bể nuôi khiến cá yếu ớt nên người nuôi vội bán.
Trên thị trường, giá cá tầm đang có mức khoảng 500.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Hữu Trang, Giám đốc Thế giới hải sản, cho biết, cá tầm đủ tuổi, đủ ngày, nuôi đủ lâu (thường 10-12 tháng) thì mới đạt chất lượng tốt nhất.
Ông Trang khuyên người tiêu dùng nên thận trọng khi mua loại cá tầm giá rẻ trên mạng. Vì rất có thể đây là loại cá chưa đủ chất lượng để xuất bán. Chưa kể, cá đến tay người mua đã qua chế biến, không còn đang bơi, nên không kiểm chứng được độ tươi sống. Một nguy cơ khác là có thể nguồn gốc xuất xứ của loại cá này không đúng như được quảng cáo.
Thịt lợn rừng “nhái” bán tràn lan chợ mạng
Theo Tri Thức & Cuộc Sống , các hội nhóm trên mạng xã hội, chợ online rao bán tràn lan loại thịt lợn rừng giá rẻ bất ngờ, chỉ 95.000-120.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá thịt lợn thông thường.
Giá thành hấp dẫn đi kèm những hình ảnh bắt mắt, lời quảng cáo hấp dẫn về loại thịt lợn rừng nuôi thả, thịt chắc, da giòn đã thu hút không ít người đặt mua. Nhiều người thậm chí còn nghĩ đã mua được giá “hời”.
Tuy nhiên, những người nuôi lợn rừng lâu năm ở tỉnh Đắk Lắk khẳng định, giá lợn rừng lai hơi đang được bán ở mức 150.000-170.000 đồng/kg nên giá thịt qua giết mổ phải ở mức từ 250.000 đồng/kg trở lên. Riêng thịt ba rọi, giá luôn cao hơn từ 40.000-50.000 đồng/kg. Vì vậy, lợn rừng lai nếu bán ra với mức giá nói trên, người chăn nuôi lỗ vốn.
Một số chủ trang trại nuôi lợn rừng ở tỉnh Bình Phước cũng cho hay, để có được thịt lợn rừng giá rẻ như thế, thương lái thường chọn mua những con lợn nái già hết khả năng sinh đẻ, rồi mang về nhốt một thời gian cho tiêu bớt lớp mỡ. Sau đó, để nguyên con giết thịt, dùng đèn khò thui lớp da bên ngoài cho có màu vàng, tiếp đến dùng kim bắn lông 3 chấu cho giống thịt lợn rừng thật rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Với cách làm trên, mỗi ngày thương lái có thể kiếm được tiền triệu từ việc bán thịt lợn rừng rởm.
Giá rau xanh ở Hà Nội tăng gấp đôi
Hơn hai tuần sau bão số 3, lượng rau củ quả tại chợ dân sinh ở Hà Nội đã phong phú hơn nhưng giá vẫn cao.
Phản ánh trên Báo Pháp Luật TPHCM , chị Nguyễn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết những ngày gần đây đi chợ mua rau rất khó vì giá đắt đỏ còn hơn thịt cá. Chị dẫn chứng, trước bão mỗi mớ rau muống chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng, giờ đây có giá 20.000-25.000 đồng/mớ, trong khi cá chép chỉ 45.000 đồng/kg.
Bà Lê Bích Ngọc (quận Đống Đa) chia sẻ, sau bão giá rau xanh tăng chóng mặt, đặc biệt là rau gia vị. Theo bà Ngọc, trước mua hành lá chỉ cần 2.000 đồng là mua được nhưng giờ mua 5.000 đồng người bán còn ngại bán cho khách.
Theo chị Lý, tiểu thương chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), sau khi bão đi qua, hôm nào giá rau xanh cũng tăng. Về nguyên nhân, chị Lý cho hay, mưa lớn khiến nước ngập sâu làm rau thối, dập nhiều nên sản lượng không nhiều, khiến giá rau xanh nhập vào đã cao. Tùy vào lượng rau thối, dập mà mỗi mặt hàng lại điều chỉnh một mức giá khác nhau để đổi công làm lãi.
Bà nội trợ méo mặt vì thịt, dầu ăn... rủ nhau tăng giá
Không chỉ rau xanh mà thịt heo, dầu ăn... tại TPHCM cũng âm thầm tăng giá trong tháng 9 này. Ghi nhận của PV Báo Pháp Luật TPHCM vào sáng 25/9, tại chợ Phạm Văn Bạch (Gò Vấp, TPHCM), hầu hết người kinh doanh thịt cho biết, giá thịt heo đã tăng lên chút ít so với hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9.
Giá nhiều loại rau củ cũng tăng lên 20-30% so với hồi đầu tháng. Cùng với rau củ và thịt, giá một số loại cá nuôi như điêu hồng, cá rô phi, cá lóc nuôi… cũng ghi nhận mức tăng cao trong hai tháng gần đây.
Ngoài thực phẩm, bà Ánh Tuyết, chủ tạp hóa dinh dưỡng Ánh Tuyết (phường 12, Gò Vấp) cho hay, trong tháng 9 hầu hết các mặt hàng giữ bình ổn, chỉ một số loại tăng giá nhẹ. Đơn cử là dầu Simply tăng từ 52.000 đồng/chai 1 lít lên 54.000 đồng/chai.
Vàng nhẫn khan hiếm
Trong ngày 25/9, các cửa hàng vàng trên “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội) liên tục thông báo hết hàng. Giá vàng nhẫn lập đỉnh 83 triệu/lượng nhưng lượng người đến mua rất đông. Cửa hàng phải bán giới hạn chỉ từ 1-3 chỉ vàng/người.
Các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông liên tục phát loa cảnh báo, người dân không nên mua bán vàng phạm vi ngoài cửa hàng, tránh bị những đối tượng lừa đảo mời chào những loại vàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, mang tới những rủi ro không đáng có.
iPhone 16 xách tay "đội giá" hàng chục triệu đồng rội tụt dốc
Ngày 20/9, Apple chính thức mở bán iPhone 16 Series tại một số cửa hàng chính hãng của 40 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo Người Đưa Tin, các hệ thống siêu thị điện thoại lớn đã cho khách hàng đặt cọc và bàn giao iPhone 16 vào ngày 27/9, tức là chỉ sau một tuần.
Nhưng thay vì chờ một tuần để mua và nhận máy trực tiếp tại các cửa hàng phân phối trong nước, nhiều người bỏ số tiền chênh lệch hàng chục triệu đồng để mua hàng xách tay.
Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ đã mua vé máy bay đi sang Singapore hoặc Thái Lan để mua hàng xách tay về Việt Nam phục vụ khách hàng.
Vào ngày đầu tiên mở bán, iPhone 16 xách tay về Việt Nam được “đội giá” lên hàng chục triệu đồng. Song chỉ sau vài ngày, giá iPhone 16 liên tục lao dốc không phanh khi trên các hội nhóm rao bán iPhone 16 xách tay, nhiều người đăng bán có giá chênh lệch với giá niêm yết chỉ vài triệu đồng.
Đơn cử, nếu như trong ngày 20/9, chiếc iPhone 16 Pro Max 1T màu vàng sa mạc đầu tiên về Việt Nam có giá lên tới 79 triệu đồng thì đến ngày 24/9, giá chỉ còn 57 triệu đồng, giảm tới hơn 20 triệu đồng.