Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là một trong số thành phố cảng quan trọng của cả nước. Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, là trung tâm lớn về khoa học, y tế, logistic của miền Trung – Tây Nguyên. Thành phố Quy Nhơn hiện hữu có hình cánh cung, một bên núi, một bên biển, diện tích gần 285km². Tuy vậy, diện tích chủ yếu là núi, đầm và biển. Khu vực bằng phẳng, có thể xây dựng ở khu trung tâm chỉ vài km2 và hiện gần như không còn đất trống. Địa giới thành phố Quy Nhơn chia làm ba khu vực: Bán đảo phương Mai, khu vực đất liền và trung tâm, khu vực Cù Lao Xanh. Giữa bán đảo Phương Mai và khu trung tâm là đầm nước mặn Thị Nại lớn thứ 2 Việt Nam với tổng diện tích hơn 50 km2. Phía Nam thành phố là những dãy núi trùng điệp, cao khoảng 400 – 500 m, một số ngọn thấp hơn, nằm rải rác, cao khoảng 200 – 300 m. Giữa các ngọn núi là thung lũng hẹp và bằng phẳng, như: Quy Hoà, Phú Tài, Nhơn Lý. Trong ảnh là thung lũng Quy Hòa, thuộc phường Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía Nam. Riêng khu trung tâm có diện tích khoảng 7 km2, chỉ ngang Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (7,72 km²). Trong khi đó, mật độ dân số của thành phố tăng cao. Theo Số liệu của Tổng cục Thống kê, mật độ dân số năm 2022 của thành phố Quy Nhơn đạt 1.682 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số trung bình cả nước 321 người/km2. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Bình Định khá nhanh, đến nay đã đạt 46,3%. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế... Nội thành dường như không còn đủ không gian cho một đô thị văn minh, hiện đại phát triển. Lúc này, việc mở rộng không gian phát triển ra ngoài đô thị lõi là điều vô cùng cần thiết. Đầm Thị Nại rộng lớn ngay trong thành phố, là món quà thiên nhiên độc đáo mà hiếm đô thị nào ở Việt Nam có được nhưng từ lâu chưa được khai thác. Trước thuận lợi đó, tỉnh Bình Định sẽ phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm. Đây là đầm nước rộng 50 km2 đứng thứ 2 Việt Nam, chỉ sau hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trung tâm hành chính mới của tỉnh chuyển ra Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đô thị, dịch vụ. Khu vực bán đảo Phương Mai sẽ xây dựng đô thị hiện đại, sầm uất, còn phía các xã của huyện Tuy Phước sẽ phát triển đô thị sinh thái yên bình. Từ đó, các khu đô thị ven đầm Thị Nại sẽ thành vùng lõi, thành đô thị trung tâm của Quy Nhơn, kết nối với các khu đô thị logistics ở sân bay Phù Cát, ở thị xã An Nhơn, các khu đô thị ven biển... hình thành nên một bộ mặt văn minh, hiện đại, phát triển của Bình Định. Thành phố cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tạo nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới. Một số dự án như: Mở rộng cảng Quy Nhơn, mở rộng đường Xuân Diệu, xây dựng các khu dân cư trung tâm xã Nhơn Hải, Cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân (phần mở rộng)… Để gia tăng liên kết giao thông, mở rộng thành phố, Quy Nhơn cũng xác định sẽ xây dựng cầu Thị Nại 2 bắc qua đầm Thị Nại (song song với cầu Thị Nại hiện hữu), cầu Thị Nại 3, cầu Thị Nại 4 nối các trung tâm huyện, thị xã, quốc lộ 1A, đồng thời sẽ xây dựng bãi đỗ, bến xe khách tại Khu kinh tế Nhơn Hội...
Bài và ảnh: Thảo Quyên