Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: 40 năm trước, thẻ ATM ngân hàng là "rất ngạc nhiên"
40 năm trước, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từng mơ ước ngành ngân hàng Việt Nam sẽ phát triển như nước ngoài. Đến nay, TS. Nguyễn Quân nhận định, ngành ngân hàng đang tiệm cận, sánh ngang với mức phát triển của thế giới.
Tại Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" do Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức, trao đổi về xu hướng phát triển đô thị thông minh trên thế giới và những việc Hà Nội cần làm để trở thành đô thị thông minh, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Từ rất lâu rồi, xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt khi bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số. Ngành ngân hàng là 1 trong 3 lĩnh vực đứng đầu trong chuyển đổi số, 2 lĩnh vực còn lại là ngành viễn thông và hàng không".
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kể lại: Cách đây 40 năm, khi ra nước ngoài học tập, công tác, ông từng rất ngỡ ngàng khi thấy thành tựu ứng dụng công nghệ ở ngành ngân hàng và mơ ước một ngày nào đó ở Việt Nam cũng có kết quả tương tự. Thời điểm đó, thẻ ATM ngân hàng "là rất ngạc nhiên".
Theo ông Quân, đến nay, ngành ngân hàng, viễn thông, hàng không của Việt Nam đã tiệm cận, sánh ngang với mức phát triển trên thế giới. Ngành ngân hàng ở Việt Nam hầu hết là "tự nghiên cứu, tự đổi mới, tự chuyển đổi số" trên định hướng, đề án phát triển của Ngân hàng Nhà nước.
"Công cuộc chuyển đổi số đối với các đô thị, xây dựng thành phố thông minh là một quá trình phức tạp, nếu thành công sẽ đem lại sức sống mới cho đô thị. Hà Nội hiện nay là thành phố lớn, là một "mega city" với hơn 10 triệu dân, tốc độ phát triển rất nhanh, đặt ra các vấn đề điều hành, quản lý theo xu hướng thông minh. Dù Hà Nội đã có nhiều thành công, thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh, nhưng đó mới là kết quả bước đầu và còn chậm so với thế giới. Các dự án thông minh về giáo dục, y tế, dịch vụ công, giao dịch trực tuyến còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ với quy hoạch của thành phố. Đó là thách thức, nhưng tôi tin Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện để xây dựng thành phố thông minh", Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay.
Nói về chủ đề thành phố thông minh, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - dẫn lại phát biểu của một vị tiến sĩ, ông nói rõ quan điểm "thành phố thông minh phải đạt được 2S: Sạch và số", trong đó có mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.
Theo ông Dũng, trong kỷ nguyên ngân hàng mở, chúng ta nhìn thấy ứng dụng của thành phố thông minh Hà Nội, không nhìn thấy ngân hàng ở đâu nhưng vẫn thanh toán chi phí sau khi sử dụng các dịch vụ.
Phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước cho biết, ứng dụng ngân hàng hiện nay rất khác. "Chúng ta đã nhìn thấy, thông qua ứng dụng ngân hàng, 50 triệu lượt gọi taxi được thực hiện. Ứng dụng ngân hàng còn cho phép chọn được từng điểm đến điểm đi, tích hợp hoạt động thanh toán hàng hoá".
Ông Dũng cũng cho biết, ước mơ của riêng ông đó là thành phố thông minh phải thực hiện được các dịch vụ trong cuộc sống trên mobile. Hiện nay, số lượng giao dịch trên ứng dụng ngân hàng chiếm tới 94% và chỉ có lượng nhỏ giao dịch tại quầy.
Ông Dũng nhấn mạnh thêm: "Hoạt động ngân hàng nếu không tích hợp với thành phố thông minh sẽ không tạo ra được chu trình khép kín. Để công dân Hà Nội chỉ cần một thiết bị thông minh có thể thực hiện được tất cả các dịch vụ của mình không cần phải đến nơi đâu thì khâu thanh toán phải được tích hợp".