Công an thông tin vụ bé trai nghi bị cha tạt nước sôi

Kim Sáng 03/10/2024 18:02

Chiều 3/10, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, Công an TP.HCM đã thông tin về vụ bé trai nghi bị cha tạt nước sôi.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, lúc 15h30 ngày 1/10/2024, Công an phường 16, quận 8 tiếp nhận trình báo của chị N.T.V (SN 1999, hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: tỉnh Phú Yên) về việc bé N.T.K (SN 2018) là con trai chị, nghi bị bạo hành.

Ngay sau đó, Ban Chỉ huy Công an quận 8 đã chỉ đạo Công an phường 16, các đội nghiệp vụ mời người có liên quan để làm việc. Hiện Công an quận 8 đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó, khoảng 13h chiều 28/9, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân N.T.K đến điều trị bỏng.

Theo người nhà, bé trai bị ba tạt nước sôi vào 2 chân không rõ nguyên nhân. Sau đó được bà nội đưa vào viện.

z5889809541232_d090c21752bdf89cda7c26467318c427.jpg
Bé trai nghi bị cha tạt nước sôi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Tại bệnh viện, bệnh nhi tỉnh, tay chân ấm, mạch rõ, sốt cao liên tục, ho nhiều, vết bỏng tụt da, da chết trắng, thâm hôi, phù nề nhẹ vị trí cẳng chân 2 bên, diện tích phỏng chân trái 7%, chân phải 5%, tổn thương phổi, men gan tăng cao.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bỏng nước sôi độ II-III 12%, nhiễm trùng vết bỏng, nhiễm trùng huyết, tổn thương gan, viêm xẹp phổi.

Hiện, bệnh nhi đã giảm sốt, ăn uống được, nước tiểu vàng, ho nhiều và đang được điều trị tại phòng Cấp cứu, khoa Phỏng - Tạo hình.

Bệnh nhi được điều trị tích cực kháng sinh, dịch truyền, truyền máu, chăm sóc vết bỏng kết hợp với tập vật lý trị liệu vận động.

Công an TP.HCM cho rằng, để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em như hiện nay, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ, kịp thời phát hiện những sai phạm và có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Riêng đối với các gia đình có con nhỏ đang gửi học, cần quan tâm chú ý những biểu hiện của trẻ, phát hiện vấn đề bất thường ở trẻ như sợ hãi, lo lắng, giật mình ban đêm, những vết thương bên ngoài có dấu hiệu của bạo hành, nhanh chóng làm rõ và báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần và nhân phẩm của trẻ.

Kim Sáng