VKS đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Bị cáo Lan gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, trật tự quản lý kinh tế. Do đó cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc.
Sáng 4/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.
Mở đầu, Chủ tọa thông báo phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, bước sang phần tranh luận. Chủ tọa mời đại diện VKS nêu quan điểm về hành vi dẫn đến phạm tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm.
Theo VKS, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần. Bị cáo Lan làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992 đến nay.
Theo đó, Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn này. Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời chủ trì họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI.
Sau đó, bị cáo Lan và các nhân sự chủ chốt quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Công ty An Đông, Công ty Sunny World, Công ty Quang Thuận và Công ty Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu.
Các nhân sự chủ chốt chạy dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành. Thông qua Công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư) thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu.
Theo VKS, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018 tới năm 2020 Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương, chỉ đạo các bị cáo là Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành, Hồ Bửu Phương sử dụng 4 Công ty nêu trên phát hành 25 mã trái phiếu “khống”.
Với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về hơn 30.000 tỷ đồng. Bị cáo Lan sử dụng số tiền này vào các mục đích khác nhau, dẫn tới mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Đối với hành vi rửa tiền, từ ngày 1/1/2018 tới ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Trong quá trình chiếm đoạt số tiền này, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB.
VKS nêu, Trương Mỹ Lan đã che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền do phạm tội mà có. Chủ yếu là để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB. Đồng thời, bị cáo Lan dùng để trả nợ giữa các Công ty/cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau và chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng “khống”.
Đối với hành vi vận chuyển trái phép tiền qua biên giới, từ ngày 27/10/2012 tới ngày 7/10/2022, bị cáo Lan đã thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại hơn 4,5 triệu USD (tương đương 106.730 tỷ đồng). Trong đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm chuyển đi hơn 1,5 triệu USD, nhận về hơn 3 triệu USD.
Theo VKS, đối với tình tiết tăng nặng, nhiều bị cáo phạm tội 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Tuy nhiên các bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, thành thật khai báo, ăn năn hối cãi.
VKS nói, tại phiên tòa, trong phần xét hỏi đa số bị cáo đều ăn năn hối cải, thành thật khai báo. Tuy nhiên vẫn còn một vài bị cáo chưa thật sự thành khẩn khai báo, chưa ăn năn hối cải nên đề nghị HĐXX xem xét về các trường hợp này.
Ngoài ra VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét áp dụng tình tiết người phạm tội là phụ nữ có thai, người phạm tội là người già, người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.
Đồng thời, VKS cũng đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết người phạm tội có thành tích xuất sắc trong công tác, được nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương bằng khen. Các bị cáo tích cực tham gia hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động phòng chống COVID-19 trong cộng đồng.
VKS nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm chính. Mặc dù bị cáo đã thành thật khai báo, chủ động tác động gia đình, cá nhân liên quan cùng hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đồng thời bị cáo Lan tự nguyện dùng toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm thay cho các bị cáo.
Tuy nhiên, hậu quả bị cáo Lan gây ra là hơn 30.000 tỷ đồng đối với 35.824 bị hại. Rửa tiền và vận chuyển tiền tệ qua biên giới hàng trăm nghìn tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt lớn; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, trật tự quản lý kinh tế. Do đó cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc để trừng trị bị cáo, phòng ngừa chung cho xã hội.
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX truy bố bị cáo Trương Mỹ Lan 3 tội là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Về hình phạt, VKS đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội “Chiếm đoạt tài sản”, 8-9 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, từ 12-13 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hình phạt chung là chung thân.