Thủ tướng: Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Phát biểu tại cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Từ những đề xuất, góp ý của các đại biểu, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu để trình ban hành thông báo kết luận của hội nghị nhằm kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị trên.
Nhiều tập đoàn trở thành nòng cốt
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau 20 năm kể từ khi có ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ. Việc số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng là một điểm sáng phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực, không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đã có những doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế quy mô lớn như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan... trở thành nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyền đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trước những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa...
Các doanh nghiệp, doanh nhân cũng thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật.
Kiến tạo mô hình kinh doanh thông thoáng, thuận lợi
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ và các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, đề nghị kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng; xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa; hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.
“Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, Thủ tướng đề nghị.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong.
Trước hết, tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...)
Cuối cùng, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không bỏ ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.