Khoảng cách chưa từng có giữa giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999
Khan hiếm nguồn cung vàng nguyên liệu khiến vàng nhẫn 9999 càng ngày càng trở nên đắt đỏ. Hiện giá thu mua vàng nhẫn 9999 đã cao hơn nhiều so với giá thu mua vàng miếng SJC, điều chưa từng xảy ra trước đây.
Ngày 4-10, khoảng cách chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 đang ở mức thấp chưa từng có.
Nhiều hệ lụy từ việc "cháy vàng" trên diện rộng
Một lượng vàng miếng SJC bán ra đang ở mức 84 triệu đồng mỗi lượng, còn vàng nhẫn tròn trơn đang được bán ra quanh ngưỡng 83,2 – 83,6 triệu đồng/lượng. Tức là chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn hiện chỉ còn 400.000 - 800.000 đồng/lượng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Còn nếu xét ở chiều mua vào thì hiện giá thu mua vàng nhẫn 9999 đã cao hơn vàng miếng SJC. Tức là những ai bán vàng nhẫn 9999 đang “có giá” tốt hơn hẳn so với bán vàng miếng SJC.
Bởi hiện giá thu mua vàng nhẫn tại Công ty PNJ đang là 82,5 – 82,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào của vàng miếng SJC chỉ có 82 triệu đồng/lượng. Như vậy lần đầu tiên, vàng miếng SJC “bị mất giá” hơn hẳn so với vàng nhẫn tròn trơn khi đem bán lại.
Nhưng đem vàng đi bán thời điểm này cũng lắm câu chuyện "cười ra nước mắt". Đơn cử như trường hợp của Đào Bình (quận Tân Phú) chia sẻ: "Cách đây vài ngày, tôi đem miếng vàng SJC loại 2 chỉ vàng đến tiệm vàng lớn nhất ở quận Bình Thạnh, cũng chính là nơi tôi đã mua để bán lại. Đến nơi, nhân viên ở đây yêu cầu tôi đưa cái “túi giấy đựng miếng vàng mà trên đó có ghi số seri”. Khổ nỗi, khi mua tôi không hề được nhân viên ở đây cảnh báo là cần phải giữ lại cái túi giấy này.
Theo mẫu mà nhân viên đưa, túi giấy đó chỉ nhỏ bằng hộp diêm, in logo thương hiệu của cửa hàng vàng, khi bán vàng miếng nhân viên sẽ ghi số seri của miếng vàng lên trên túi đó, ngoài ra không có bất cứ thông tin nào khác. Do đó, túi giấy mini này chắc chắn không thể được xem là “chứng từ” chứng minh hàng hóa đầu vào của doanh nghiệp để trình báo với cơ quan quản lý. Thế nhưng, chỉ vì thiếu cái túi giấy mini đó, nhân viên ở đây đã trừ ngay của tôi 160.000 đồng. Với những ai vẫn giữ được túi giấy đó, khi bán khách hàng vẫn bị trừ 20.000 – 30.000 đồng”.
Chị Tuyết, quận 1 cho biết thêm: "Hai vợ chồng tôi cưới năm 2015, được bác ruột mừng 5 chỉ. Cuối năm nay, con gái của bác cưới tôi cũng phải mừng lại. Còn nhớ, khoảng tháng 8-2015, gia đình tôi có việc gấp cần tiền mặt nên buộc phải đem 5 chỉ đi bán, số tiền nhận về chưa tới 15 triệu đồng. Thế nhưng giờ mua 5 chỉ, tôi phải chi ra gần 42 triệu đồng. Chấp nhận lỗ khủng, nhưng muốn mua vàng nhẫn vào thời điểm này cũng đâu phải đơn giản".
Giá thu mua vàng miếng SJC đang thấp hơn nhiều so với giá thu mua vàng nhẫn 9999. Ảnh:T.L
Tương tự, anh Tấn Việt, quận Gò Vấp cho biết: "Giờ đây, muốn mua nhẫn 9999 của các doanh nghiệp lớn như Công ty SJC, PNJ rất vất vả. Ngay cả vàng miếng SJC dù được NHNN thông báo bán tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, nhưng để đặt mua thành công cũng không hề đơn giản. Mấy ngày nay, tôi chuẩn bị sẵn các thông tin cá nhân, chỉ chờ đồng hồ điểm báo đúng 9 giờ là “nhảy” vào đặt mua nhưng ngày nào cũng nhận được thông báo “Đặt lịch hẹn không thành công. Quý khách vui lòng chọn điểm giao dịch khác hoặc quay lại đăng ký vào ngày làm việc tiếp theo do chi nhánh đã nhận đủ số lượng khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC của ngày hôm nay…”".
Thậm chí, ngay cả những người có vàng đem vàng đi bán cũng “run” tay. Theo như lời chị Mỹ Anh kể, mấy ngày nay thấy vàng miếng lẫn vàng nhẫn 9999 đều tăng mạnh, tôi tính đem mấy chỉ vàng đi bán chốt lời, nhưng lại được một nhân viên “tư vấn” rằng nếu chị không thực sự cần tiền mặt thì tốt nhất chưa nên bán vào thời điểm này. Bởi bán xong, sẽ rất khó để mua lại. Thấy vậy, tôi cũng chùn tay, tạm thời không bán nữa”.
… nháo nhào chạy sang "chợ đen"
Trong khi người dân gõ cửa các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, nơi nào cũng thông báo “cháy” hàng. Chẳng hạn, Công ty SJC chỉ bán tối đa 1 người/1 chỉ/1 ngày. Công ty PNJ thì thông báo hết vàng nhẫn trên toàn hệ thống từ vài tháng nay. Ai muốn mua, chỉ có cách phải chịu khó hỏi “săn lùng” đến từng chi nhánh, hoặc đặt hàng trước và nhân viên sẽ thông báo khi có hàng. Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội, nhóm zalo lại nhan nhản các thông tin rao bán vàng, ai muốn mua loại nào cũng được, khối lượng bao nhiêu cũng có.
Kể về hành trình “săn” vàng của mình, chị Tú Uyên kể: Muốn đặt mua vàng tại các bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC khó quá, tôi đành từ bỏ ý định đầu tư vàng, nhưng tại các hội nhóm mua bán vàng trên mạng xã hội, việc mua vàng lại vô cùng đơn giản. Đơn cử, tại một số nhóm như “Mua bán giao lưu vàng miếng SJC, 9999”, hay “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian"… lúc nào cũng có người đăng thông tin mua bán vàng miếng, vàng nhẫn 9999. Có người bán một chỉ, đến vài lượng và rất hiếm người rao bán vàng với số lượng lớn.
Tuy nhiên, người mua gom vàng thì số lượng bao nhiêu cũng được, miễn là giá đưa ra phù hợp. Chỉ cần có người đăng các dòng trạng thái rao bán vàng là ngay lập tức có người nhắn tin phản hồi hỏi giá cả, số lượng, địa chỉ…
"Hiện giá bán vàng miếng chợ đen đã lên 85-86 triệu đồng/lượng (mua – bán), tức là cao hơn so với giá chính thức từ 2-3 triệu đồng. Ngay cả vàng nhẫn 9999 đang được mua – bán trên thị trường tự do khoảng 82 – 82,7 triệu đồng/lượng, nhưng cá biệt có những người rao bán vàng nhẫn 9999 với giá 83,5 triệu đồng/lượng. Những ai bán vàng mà còn giữ giấy tờ, thường đưa ra giá cao hơn so với những người bán không giấy tờ”, chị Uyên nói.
TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho biết: Việc NHNN can thiệp, bán vàng miếng thông qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC chỉ là giải pháp tạm thời, chứ không phải giải pháp căn cơ. Giải pháp mà NHNN đang thực hiện đúng là đã giúp kéo giá vàng trong nước trên thị trường chính thức về sát với giá vàng thế giới.
Thế nhưng việc mua bán vàng thông qua những tổ chức nêu trên quá khó khăn, đã vô tình “tạo điều kiện” để hình thành nên thị trường chợ đen, và cơ quan chức năng có quản lý được đâu. Hơn nữa thị trường chợ đen là thị trường gây hại cho nhà nước thôi, bởi nó vừa gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, vừa thất thu thuế. Điều đó cho thấy rằng việc sử dụng các mệnh lệnh hành chính để can thiệp thị trường, đều khó có thể đạt kết quả như mong muốn.
"Giải pháp lâu dài là cần xem vàng như một loại hàng hóa, những doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn và vàng trang sức. Hay nói cách khác, cơ quan quản lý hãy để cho doanh nghiệp được thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh như bình thường. Lúc đó, giá cả thị trường sẽ do cung cầu điều tiết.
Còn hiện nay, các doanh nghiệp muốn sản xuất vàng nhẫn nhưng không có nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu có đủ chứng từ, hóa đơn lại càng hiếm, dẫn đến nguồn cung ra thị trường cũng khan hiếm theo. Và khi cầu tăng hơn nhiều so với cung thì giá cả cũng tăng theo và nảy sinh nhiều hệ lụy không đáng có”, TS Điền nhấn mạnh.
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính cho rằng: "Việc các cá nhân tự giao dịch thỏa thuận về giá để mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, việc giao dịch mua bán vàng trên các mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều rủi ro như mua vàng không có hóa đơn chứng từ, đến khi bán lại sẽ bị ép giá. Thậm chí có nguy cơ mua phải vàng nhái thương hiệu, vàng giả, vàng kém chất lượng và dẫn đến mất tiền. Với các doanh nghiệp kinh doanh vàng mà không xuất trình được các loại giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn hàng mua vào là hợp pháp đối với cơ quan chức năng thì số hàng hóa đó sẽ bị xác định là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng lậu, có thể bị tịch thu…”.
Theo Nghị định 88/2019 của Chính phủ, người mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt cảnh cáo, sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán sẽ bị phạt cảnh cáo.
Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Với các hành vi kinh doanh mua bán vàng miếng không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng.