‘Giấy thông hành’ giúp sinh viên xin việc ngành tài chính, ngân hàng
Tại tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã có nhiều chia sẻ, gợi mở, định hướng giúp sinh viên tạo "giấy thông hành" khi ứng tuyển vị trí làm việc trong ngành ngân hàng.
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng ; PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Viện Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc khối Ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội - MB... cùng gần 1.000 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhà báo Phùng Công Sưởng , Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam 2024 phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Sinh viên cần có "độ lì"
PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Giảng viên cao cấp Viện Ngân hàng Tài chính, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - nhận định, trong yêu cầu tam giác về nhân sự, thái độ (bao gồm tính kỷ luật, sự kiên trì, bền bỉ, ham học hỏi) là yếu tố quan trọng nhất. PGS.TS Linh cho rằng, Gen Z có rất nhiều thuận lợi so với thế hệ X, Y, nhưng đi cùng với đó cũng có vô vàn khó khăn, đó là sự căng thẳng, biến động địa chính trị phức tạp, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.
"Vì thế hình thái, nội dung kiến thức và kỹ năng của thế hệ Gen Z cao hơn thế hệ trước rất nhiều. Hiểu được điều này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã luôn luôn thay đổi nội dung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra để có thể bắt kịp xu thế thời đại", PGS.TS Linh nói.
Theo đó, cứ 2 năm 1 lần, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rà soát, điều chỉnh, thậm chí thay đổi nội dung đào tạo nếu cần. Môn khoa học dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh là môn học bắt buộc sinh viên phải học. Còn sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, bên cạnh các môn học truyền thông, sinh viên phải học các môn về công nghệ tài chính, phân tích dữ liệu. Ngoài ra, để thu hẹp giữa kiến thức và thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có một học phần bắt buộc là Chuyên đề thực tế, yêu cầu trong 4 năm học, sinh viên phải tham gia tối thiểu 4 lần đi thực tế.
Trong đó, yêu cầu chuyên môn trong thực tiễn ở những lần sau cao hơn lần trước. Theo PGS.TS Đỗ Hoài Linh để có thể hoàn thành được nhiệm vụ học tập, có kiến thức, kĩ năng đáp ứng yêu cầu công việc thì tâm thế, ý thức, thái độ của sinh viên đóng vai trò rất quan trọng. “Việc khó đến mấy nhưng nếu các bạn xác định được mục tiêu cụ thể, đo lường được, phù hợp năng lực bản thân, mốc thời gian hoàn thành và tính khả thi, thì chúng ta sẽ chinh phục được mọi thử thách”, bà Linh nói.
Tại tọa đàm, ông Mai Huy Phương - Phó giám đốc ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội MB đã chia sẻ về 2 bài học chính ngay sau ngày đầu tiên đi làm. Theo ông Phương, ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã đi phỏng vấn ở 20 công ty chứng khoán nhưng sau đó lại có duyên làm việc tại một ngân hàng. Ông Phương cho biết, thời điểm đó chọn làm ngân hàng đơn giản vì muốn được làm việc với chuyên gia nước ngoài để học tiếng Anh.
“Trong ngày đầu tiên đi làm, tôi đã bị ngợp khi được một chuyên viên người Ấn Độ đưa cho 2 cuốn tài liệu bằng tiếng Anh trong khi vốn ngoại ngữ của bản thân còn hạn chế. Ngay sau đó, tôi đã xin nghỉ làm. Sau một ngày suy nghĩ, tôi lại quyết định đi làm trở lại và bắt đầu chú tâm vào công việc với sự bền bỉ, kiên trì, nỗ lực hơn”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, trong ngành ngân hàng , tư duy ngược, phản biện rất quan trọng. Ở MB, hầu hết các sáng kiến đều đến từ các bạn trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Gen Z cũng có những nhược điểm như thiếu độ kiên trì và lì lợm, vì thế, khi gặp chút vướng mắc, khó khăn, các bạn dễ từ bỏ. Do đó, ông Phương gợi ý 4 kỹ năng cần thiết mà bạn trẻ cần trang bị để làm hành trang bước vào môi trường làm việc, gồm: kỹ năng phân tích số liệu, marketing, công nghệ và các xu hướng cập nhật về công nghệ, ngoại ngữ. Đặc biệt, các bạn cần kiên trì để thích nghi với môi trường có tính chuyên nghiệp cao và thích nghi với kỷ luật lao động của tổ chức.
Cách có "giấy thông hành" khi ứng tuyển
Trước xu hướng chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng nhận thấy, các trường đại học không nằm ngoài xu hướng này. Các trường đại học sẽ là đơn vị tiên phong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, như Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách Khoa…
Theo TS. Hà, về trường Học viện Ngân hàng, trong những năm trở lại đây, đã phát triển theo hai hướng song song để đáp ứng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao liên quan đến chuyển số của ngành.
"Đầu tiên, chúng tôi mở các chương trình đào tạo mang tính liên ngành, tích hợp như chương trình đào tạo về marketting số, thương mại điện tử, ngân hàng số, công nghệ tài chính. Trong đó, một nửa dạy kiến thức về ngân hàng, kinh tế, thương mại; một nửa về khối kiến thức công nghệ thông tin. Các bạn sinh viên khi tốt nghiệp chương trình đào tạo này sẽ có hai nền tảng về kinh tế và công nghệ", TS. Hà nói.
Ngoài ra, hướng thứ hai là tích hợp là năng lực số và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. TS.Hà cũng nhất trí với ý kiến của PGS.TS Đỗ Hoài Linh, học đại học không chỉ kiến thức, mà còn thái độ, kỹ năng.
"Định kỳ 2 năm, chúng tôi lại rà soát, cải tiến căn cứ trên ý kiến của các đơn vị tuyển dụng và các bên liên quan, từ đó cải tiến chuẩn đầu ra và giúp người học thích ứng với yêu cầu của ngành ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng", Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng nói.
Bà Nguyễn Thị Thái Hà - Phó Trưởng ban tổ chức và nhân sự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank - thông tin, hàng năm, Vietcombank dành 70% chỉ tiêu để tuyển nhân sự là sinh viên mới tốt nghiệp (khoảng 1.500 ứng viên).
Với ứng viên là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, chúng tôi yêu cầu phải nắm vững kiến thức về nghiệp vụ và tiếng Anh, tiếp theo đó là trình bày nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp khi làm việc tại ngân hàng. “Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao những sinh viên có nhiều trải nghiệm, có các chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan từ sớm”, bà Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Thái Hà cũng nói thêm, với Vietcombank, hiện tại trên thị trường có nhiều doanh nghiệp FBI đang đầu tư vào Việt Nam, vì vậy, ngân hàng cũng ưu tiên tuyển dụng các bạn có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật…
“Bất cứ khi nào các bạn sinh viên tốt nghiệp, đều có thể nộp hồ sơ ứng tuyển. Khi nộp hồ sơ, ngân hàng chưa yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp. Chỉ khi các bạn được tuyển dụng, đi làm thì mới phải nộp bằng tốt nghiệp”, bà Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Mai Huy Phương - Phó giám đốc ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội MB về việc nếu không học trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế, ngân hàng thì có được làm trong ngân hàng?
"Các bạn hoàn toàn có thể làm, bởi khối ngành kinh tế thì có các môn cơ bản giống nhau, chỉ 30% kiến thức phụ thuộc vào chuyên ngành mình chọn. Quan trọng là các bạn cố gắng tập trung học tập tốt nhất, đây sẽ là giấy thông hành để hồ sơ đủ đẹp đi ứng tuyển; còn trong quá trình ứng tuyển có nhiều vòng, các bạn phải hiểu rõ vị trí ứng tuyển, mô tả công việc và thế mạnh của bản thân, trang bị kỹ năng cần có về công nghệ, ngoại ngữ…", ông Phương cho hay.
Điểm mới của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 có tới 6 sự kiện hoạt động, gồm: Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở"; toạ đàm "Quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành tài chính ngân hàng"; roadshow truyền thông sự kiện; Ngày Thẻ Việt Nam - Sóng Festival; chiến dịch Mega Sale Online.
Chủ đề Ngày Thẻ Việt Nam 2024 "Sống chill - thanh toán chất" hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ, thế hệ Gen Z vốn có kiến thức, ngoại ngữ, nắm bắt công nghệ, làm chủ công nghệ trong 2 ngày mùng 5 và 6/10 tại Sân vận động Đại học Bách Khoa Hà Nội.