Quy định về xử lý các phương tiện được miễn thu phí đường bộ
Dưới đây là nội dung quy định về về xử lý các phương tiện được miễn thu phí đường bộ theo Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
Quy định về xử lý các phương tiện được miễn thu phí đường bộ (Hình từ internet)
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Quy định về xử lý các phương tiện được miễn thu phí đường bộ
Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 119/2024/NĐ-CP đã quy định như sau:
Các phương tiện được miễn thu tiền sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật được gắn thẻ đầu cuối và mở tài khoản giao thông với thông tin xe ưu tiên, khi lưu thông qua làn thu phí điện tử không dừng sẽ được nhận diện tự động và cho phép lưu thông qua trạm thu phí đường bộ.
Theo Điều 3 Nghị định 90/2023/NĐ-CP, quy định miễn phí sử dụng đường bộ đối với người nộp phí cho các loại xe ô tô sau: (1) Xe cứu thương. (2) Xe chữa cháy. (3) Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ. (4) Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng. (5) Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an nhân dân. |
02 hình thức thanh toán phí đường bộ hiện nay
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 119/2024/NĐ-CP, đã nêu quy định về 02 phương thức thanh toán tiền sử dụng đường bộ, gồm phương thức mở và phương thức kín, theo đó:
- Phương thức mở là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện.
- Phương thức kín là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
Tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 119/2024/NĐ-CP cũng quy định các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc; các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc nối tiếp nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín theo hình thức điện tử không dừng.
Quy định về thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện
Phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản giao thông. Việc gắn thẻ đầu cuối và kích hoạt thẻ đầu cuối do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện theo các quy định tại Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.
- Chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ. Thẻ đầu cuối được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ bảo hành trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ thời điểm gắn thẻ.
(Điều 7 Nghị định 119/2024/NĐ-CP)
07 hành vi bị cấm trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ từ 01/10/2024
Theo đó, tại Điều 5 Nghị định 119/2024/NĐ-CP, đã nêu quy định về những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ như sau:
(1) Phá hủy, làm giả, xoá dữ liệu hoặc can thiệp nội dung thẻ đầu cuối; chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện tham gia giao thông này sang phương tiện tham gia giao thông khác.
(2) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, đánh cắp dữ liệu, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.
(3) Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình tham gia các hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
(4) Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến dữ liệu cá nhân không đúng theo quy định của pháp luật.
(5) Mở hoặc duy trì tài khoản giao thông nặc danh, mạo danh.
(6) Các hành vi cố tình trốn tránh, gian lận trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
(7) Cạnh tranh không lành mạnh giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.