Có cần xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất khi nhập khẩu tiền chất công nghiệp?
Nhập khẩu tiền chất công nghiệp về làm nguyên liệu sản xuất có phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất không?
1. Tiền chất công nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, tiền chất công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.
Danh mục tiền chất công nghiệp được phân theo mức độ nguy hiểm để quản lý, kiểm soát cho phù hợp, gồm tiền chất công nghiệp Nhóm 1 và tiền chất công nghiệp Nhóm 2:
(i) Tiền chất công nghiệp Nhóm 1 gồm các hóa chất thiết yếu được sử dụng trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy.
(ii) Tiền chất công nghiệp Nhóm 2 gồm các hóa chất được sử dụng làm chất phản ứng hoặc làm dung môi trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy.
Tiện ích tra cứu tiền chất công nghiệp |
Xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất khi nhập khẩu tiền chất công nghiệp
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Nhập khẩu tiền chất công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất có cần xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất không?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, các đối tượng phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất:
(i) Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi dự án chính thức đưa vào hoạt động. Trừ trường hợp sau:
Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất có ít nhất 01 hóa chất thuộc Phụ lục IV - kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP với khối lượng tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm lớn hơn hoặc bằng ngưỡng khối lượng quy định tại phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm mà dự án có hoạt động và trình bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định, phê duyệt trước khi chính thức đưa dự án vào hoạt động.
(ii) Chủ đầu tư ra quyết định ban hành Biện pháp và xuất trình các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Tiền chất công nghiệp cũng là hóa chất. Vì vậy, nhập khẩu tiền chất công nghiệp về làm nguyên liệu sản xuất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.
3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP), biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Hóa chất 2007, bao gồm:
(i) Xác định, khoanh vùng và lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao.
(ii) Các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ.
(iii) Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.
Tổ chức, cá nhân xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 82/2022/NĐ-CP.
>> – Mẫu 04Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 82/2022/NĐ-CP.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất – Luật Hóa chất 2007 1. Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hóa chất nguy hiểm trái quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 2. Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm. 3. Sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng. 4. Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường. |